Thời gian: 14:00-18:00, ngày 21 tháng 12 năm 2019
Địa điểm: Văn phòng VinGroup Japan, Akihabara, Tokyo
Ngày 21/12/2019 vừa qua, Mạng lưới học thuật Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ) đã tổ chức seminar Kinh tế với chủ đề “Thảo luận về kinh tế Việt Nam”. Với sự góp mặt của 4 diễn giả và đông đảo người tham dự, seminar đã diễn ra trong không khí ấm cúng, thân thiện và nhiều trao đổi thảo luận chất lượng và thú vị.
Mở đầu seminar, tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên trường Chính sách công và Quản lý – Đại học Fulbright Việt Nam (FSPPM) đã trình bày từ đầu cầu bên Mỹ về “Chu kỳ khủng hoảng 10 năm ở Việt Nam”. Theo anh Du, kinh tế Việt Nam hiện đại đã trải qua 4 cuộc khủng hoảng trong các thập niên 1970, 1980, 1990 và những năm cuối 2000. Những nguyên nhân cho 4 cuộc khủng hoảng đều bao gồm các yếu tố giống nhau như quản lý ngân hàng không hợp lý, doanh nghiệp sử dụng vốn không đúng mục đích. Trong năm 2019 nền tảng kinh tế vĩ mô tương đối tốt, nhưng tiềm ẩn một số nguy cơ đến từ thị trường chứng khoán. Đặc biệt, ba cuộc khủng hoảng gần đều bắt đầu từ nguyên nhân một số doanh nghiệp lớn huy động và sử dụng vốn không đúng, và đây vẫn là nguy cơ tiềm tàng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Trả lời câu hỏi của khán giả về ảnh hưởng có thể của quan hệ Mỹ-Trung tới Việt Nam, anh Du xác nhận Việt Nam đang hưởng một số lợi ích do dòng FDI (đầu tư trực triếp nước ngoài) chuyển hướng sang Việt Nam, nhưng cũng ở vị thế cực nhạy cảm vì Mỹ có thể cho Việt Nam vào danh sách các nước xuất siêu sang Mỹ giống như Trung Quốc (tuy khả năng thấp), hoặc khi tình hình Mỹ-Trung cải thiện dòng FDI vào Việt Nam sẽ giảm. Việc kẹt giữa và bám víu vào các nước lớn sẽ khiến Việt Nam thụ động và dễ bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế thế giới. Mặt khác, kinh tế Việt Nam dựa nhiều vào FDI và các doanh nghiệp nước ngoài, trong khi doanh nghiệp trong nước thiếu năng lực cạnh tranh và dễ bị ảnh hưởng.
Bài phát biểu tiếp theo đến từ tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ánh, hiện đang là chuyên gia kinh tế tại văn phòng Tokyo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Chị Ánh giới thiệu về một trong những hoạt động của IMF là giám sát kinh tế và tư vấn chính sách của các nước thành viên, và tóm tắt bản báo cáo tham vấn thường niên của IMF về kinh tế Việt Nam, một sản phẩm của hoạt động giám sát này. Chị Ánh nhấn mạnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2018 được IMF đánh giá tốt, tăng trưởng kinh tế cao ở mức 7.1%, lạm phát thấp (3.5%). Các chính sách tiền tệ thắt chặt và giảm tỉ lệ tăng trưởng tín dụng cũng như chính sách tài khóa thắt chặt dần để giảm nợ công được IMF đánh giá cao. Những thách thức và rủi ro Việt Nam có thể phải đối mặt trong ngắn hạn gồm có sự giảm tốc của các nền kinh tế lớn trên thế giới và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, bất ổn định vẫn chưa được xóa bỏ hoàn toàn trong hệ thống ngân hàng; và trong dài hạn là thách thức về dân số già, biến đổi khí hậu và quá trình số hóa. Trả lời câu hỏi của khán giả về việc Moody hạ thấp tín nhiệm Việt Nam trong tuần vừa qua và ảnh hưởng của nó, chị Ánh cho rằng việc bị hạ thấp tín nhiệm sẽ gây bất lợi cho Việt Nam trong việc cân bằng ngân sách chính phủ do các nhà đầu tư trở nên e dè hơn khi mua trái phiếu chính phủ của Việt Nam. Ngoài ra, tín nhiệm thấp hơn đồng nghĩa rủi ro cao hơn, sẽ khiến các nhà đầu tư đòi hỏi thêm lãi suất (premium) khi mua trái phiếu, khiến phần trả nợ lãi của ngân sách sẽ tăng cao hơn, không chỉ khiến tăng thêm rủi ro vay nợ hiện tại (debt rollover risk) mà còn tới sự bền vững của nợ trong tương lai (debt sustainability).
Thạc sĩ Lê Đức Dũng, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPS) mang tới cho khán giả bài trình bày về nghiên cứu mô hình hóa sử dụng dịch vụ ngoại trú cho người cao tuổi tại Việt Nam. So sánh 9 mô hình kinh tế lượng được sử dụng rộng rãi với số đếm, nghiên cứu của anh cho thấy rằng mô hình mô hình Hurdle Negative Binominal 2 là mô hình tốt nhất để dùng cho dữ liệu số đếm trong nghiên cứu về sử dụng dịch vụ ngoại trú. Kết quả cũng chỉ ra các yếu tốt quyết định có ảnh hưởng tới việc sử dụng dịch vụ y tế ở người cao tuổi: yếu tố vùng miền, hút thuốc lá, bảo hiểm y tế, số lượng thành viên trong gia đình, yếu tố tàn tật và bệnh mạn tính. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra xu hướng đặc trưng trong việc sử dụng dịch vụ khám ngoại trú ở các nhóm đối tượng cụ thể: người cao tuổi nữ giới và trẻ tuổi hơn (60-69 tuổi) có xu hướng sử dụng dịch vụ khám ngoại trú nhiều hơn ở số lần khám 1-4, tuy nhiên kết quả ngược lại được quan sát khi số lần sử dụng dịch vụ y tế là 5-10. Kết quả từ nghiên cứu này này có thể được sử dụng để gợi ý chính sách liên quan tới dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ngoại trú và dùng để dự đoán nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại Việt Nam. Trả lời câu hỏi về so sánh các mô hình kinh tế lượng cho số đếm ở các nước phát triển, anh Dũng nói câu trả lời còn phụ thuộc vào đặc trưng của bộ số liệu tác giả dùng, vì mỗi bộ số liệu đều có những đặc trưng riêng. Ví dụ như nếu số liệu có quá nhiều giá trị 0 thì có thể mô hình zero-inflated model có thể phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay thì mô hình Hurdle và finite mixture model đang chiếm ưu thế ở các nghiên cứu ở các nước phát triển.
Bài nói cuối cùng về hoạt động quản trị chuỗi cung ứng đến từ tiến sĩ Nguyễn Huệ Minh, nghiên cứu viên sau tiến sĩ JSPS tại Đại học Quốc lập Yokohama Nhật Bản (YNU). Trong nghiên cứu của mình, chị Minh kiểm chứng mối quan hệ của hoạt động quản trị chuỗi cung ứng với sự phát triển bền vững trên ba mảng: kinh tế, xã hội và môi trường. Phát triển bền vững được định nghĩa là sự phát triển nhằm thỏa mãn các nhu cầu hiện của con người nhưng không tổn hãi tới sự thỏa mãn nhu cầu của các thế hệ tương lai. Kết quả nghiên cứu của chị cho thấy hoạt động quản trị có tác động tích cực tới yếu tố Kinh tế (ví dụ lợi nhuận) và Xã hội (quan hệ với nhân viên), nhưng lại có tác động tiêu cực tới môi trường (tăng lượng rác thải, tăng tiêu thụ tài nguyên). Mặt khác kinh tế và xã hội có tác động bổ trợ cho nhau, làm tăng ảnh hưởng của quản trị chuỗi cung ứng, nhưng môi trường lại nằm ngoài mối quan hệ tương hỗ này. Chị Minh và khán giả đã có phần thảo luận sôi nổi về quá trình thu thập dữ liệu ở Việt Nam, sự khác nhau trong văn hóa trả lời bảng câu hỏi giữa doanh nghiệp Việt và Nhật. Mọi người cũng đồng tình rằng để cải thiện vấn đề môi trường không thể chỉ dừng lại ở việc quản trị trong doanh nghiệp, mà ngay cả người tiêu dùng cần phải thay đổi cách nhìn. Nếu người tiêu dùng hạn chế tiêu dùng đồ rẻ tiền (một phần có được là do không đầu tư chi phí xử lý rác thải) và có ý thức tìm hiểu quá trình sản xuất, chấp nhận trả giá cao hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường thì chắc chắn tình trạng môi trường hiện nay sẽ được cải thiện.
Buổi seminar đã diễn ra trong không khí ấm cúng, thân thiện và cởi mở. Các khán giả đã cùng các diễn giả thảo luận nhiệt tình trong suốt 4 tiếng đồng hồ. Bản khảo sát sau chương trình cho thấy 90% khán giả hài lòng hoặc rất hài lòng về seminar, cả về nội dung và phương pháp tổ chức. Ngoài các yếu tố như chủ đề thiết thực, khách mời có chuyên môn, nhiều thảo luận và thông tin bổ ích được phần lớn người trả lời lựa chọn là yếu tố tạo nên thành công cho chương trình, một số khán giả cho rằng seminar cũng đã khiến mọi người quan tâm hơn tới các vấn đề kinh tế xã hội ở trong nước. Các khán giả ấn tượng với thông tin và thảo luận thiết thực, đa dạng và gần gũi tại seminar; cũng như về không khí thân thiện, dễ trao đổi, giúp họ có thêm những góc nhìn về kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, một số khán giả có mong muốn tăng thêm thời lượng thảo luận hay khách mời đơn giản hóa một số nội dung có tính chuyên môn quá sâu (ví dụ về mô hình kinh tế lượng) để người nghe dễ tiếp cận hơn.
VANJ Seminar Kinh tế đánh dấu sự hoạt động trở lại của VANJ sau thời gian vất vả đầu tư cho những chuỗi sự kiện lớn như Vietnam Summit hay Vietnam Startup Contest. Seminar đã được đón nhận nhiệt thành và đã để lại dấu ấn tốt đẹp, là một cơ hội để những người Việt chia sẻ kiến thức và niềm quan tâm về kinh tế Việt Nam. BTC một lần nữa xin chân thành cảm ơn sự đóng góp của các diễn giả cho sự thành công của chương trình, cảm ơn các khán giả đã dành thời gian đến tham gia.
Xin hẹn gặp lại tại VANJ Seminar tiếp theo!
Danh sách BTC:
Phụ trách chung: Nguyễn Thị Ngọc Ánh
Hỗ trợ: Nguyễn Thành Vinh, Vũ Đức Cảnh