Q:
Tuần rồi đi hội nghị cũng có thể xem là lớn bởi ngay dịp kỉ niệm 100 năm. Quanh qua quẩn lại cũng muốn ghi lại một số điều quan sát được khi tham gia hội nghị.
Từ ở sân bay, đã có một nhóm sinh viên mặc áo của hội nghị để đứng chờ các hành khách xuống máy bay. Cái hay ở chỗ, mình đang hỏi bằng tiếng Anh thì các bạn trả lời bằng tiếng Nhật một cách mượt mà. Có lẽ do các bạn thấy bạn đang đi chung với mình (chung lab) là người Nhật. Mới vào cũng đã thấy có những ấn tượng ban đầu như vậy, kể ra cũng tốt. Bắt taxi đến thẳng hội trường để check-in trước, thì thấy họ làm ở một hội trường/trung tâm thương mại rất lớn, và có sự chuẩn bị tất cả mọi mặt. Tuy vậy, điều quan trọng hơn là cách tổ chức, bởi dòng người đổ về ngày đầu tiên rất đông, mọi người tập trung vào khu vực check-in và chưa rành lối nên có một xíu hỗn loạn (kì này hình như cỡ 2 ngàn người tham gia). Tình hình có vẻ đỡ hơn một tẹo vào những ngày sau.
- Bài học thứ nhất: hội nghị lớn kể cũng thích, cơ mà cũng sẽ dễ khiến con người ta lạc lõng và một chút gì đó hỗn loạn (có cả những người vạ vật ngồi sử dụng ổ điện)
- Bài học thứ hai: các căn phòng hội nghị nên được quây quanh một không gian chung: mình để ý các phòng hội nghị ở khác tầng sảnh chính thường có rất ít người ngồi nghe, trong khi các phòng sảnh chính luôn đầy ắp người, có khi phải đứng nghe nữa. Điều này có thể lý giải bởi việc có nhiều người thật ra cũng không đọc schedule và lên kế hoạch ngồi nghe là mấy, mà lâu lâu tạt vào đâu đó xem cho đỡ mất thời gian.
- Bài học thứ ba: Đôi lúc các bài nghe ngẫu hứng lại là các bài nghe đem lại nhiều góc nhìn mới nhất. Mình cũng có lên kế hoạch nghe nhiều bài, tuy nhiên hai bài mình tâm đắc nhất lại là hai bài mà mình tạt vào trong thời gian trống. Cả hai bài đưa mình tới những phương pháp mới mà có thể áp dụng vào nghiên cứu của mình.
- Bài học thứ tư: ở hội nghị, nên tay bắt mặt mừng. Ý nghĩa của hội nghị không chỉ nằm ở việc “bán” ý tưởng bản thân (thật ra mình cũng chẳng mặn mà gì lắm), mà nằm ở kết nối mới. Hồ hởi bắt chuyện kéo rất nhiều năng lượng từ mình nhưng từ đó cũng khiến mình có nhiều câu chuyện mới, góc nhìn mới. Từ công việc academic ở Đức, hay sự phân cấp trong Pháp và môi trường đại học ở Đan Mạch.
- Bài học thứ năm: quen với sự từ chối. Ây da chắc phải có dịp viết một bài về sự thất bại/từ chối. Lúc làm quen nhiều người, đôi lúc cũng phải chấp nhận sẽ có những người muốn giữ khoảng cách, hay thật sự không hồ hởi như cách mình tiếp cận với họ.
- Bài học thứ sáu: nhìn và học các bài thuyết trình từ các giáo xuất sắc. Uầy, nghe các bài mà mình thích, nghe các thầy cô thuyết trình cái là biết trình của họ liền. Từ Nhật mình nể nhất là bài của thầy Shu Takagi (U. Tokyo). Cách thầy thuyết trình là biết thầy nhìn thuần túy khoa học, và cách thầy trả lời câu hỏi cũng biết thầy nắm trong đầu nghiên cứu của mình như thế nào.
- Bài học thứ bảy: từ bài học thứ sáu, cũng nên chuẩn bị bài thuyết trình cho chỉn chu một xíu.
- Bài học thứ tám: Một không gian vừa đủ rộng để mọi người có thể đứng, nói chuyện với nhau và ăn bánh uống cà phê với nhau là một không gian luôn nên có.
Lần này tạm đến đây thui, kì sau đi tiếp, trực tiếp làm sẽ thêm nhiều kinh nghiệm nữa 😀