Q:

Cửa hàng tự định giá (1)

Rong ruổi lại trên phố phường Sài Gòn sau gần chục năm xa xứ, anh sinh viên trẻ đang làm quen lại với những con đường tấp nập. Trên chiếc Dream “cùi”, mà thật ra cũng không “cùi” lắm, vì sau ngần ấy thời gian nằm góc nhà chiếc Dream ấy vẫn có thể bon bon một cách mượt mà. Anh sinh viên thong thả khắp vùng trung tâm, cảnh vật không thay đổi mấy, trừ cây cầu bộ hành vừa xây trên đường Nguyễn Văn Cừ, và nhà sách cùng tên chuyển đến sát vòng xoay giao với đường Nguyễn Thị Minh Khai. Anh chợt cười mình, thời cấp 3  anh thường lạc bạn vì không phân biệt được Nguyễn Thị Minh Khai và Nam Kỳ Khởi Nghĩa. “Cả hai đều có 4 chữ và bắt đầu bằng chữ N”, não anh giải thích với bạn bè anh như vậy.

Vòng qua Nguyễn Thị Minh Khai, rẽ trái vào đường Nguyễn Thiện Thuật, anh chui tọt vào phố Bàn Cờ. Anh tìm lại quán cà phê Cheo Leo, nơi anh chỉ ghé đôi ba lần nhưng biết đến nhiều hơn qua lời kể của bạn bè và người thân. Quán cà phê nhỏ, khi kê bàn cả phía bên kia hẻm chắc cũng chưa được mươi cái. “Dạ cho con ly bạc sỉu”, anh cất tiếng sau khi nhận ly trà đá từ cô chủ tiệm. Anh nhìn quanh quán, quán vẫn như vậy, vẫn gian chính mặt tiền cho khách và gian bếp phía sau, vẫn bức tường nửa dưới là gạch caro xanh trắng, nửa trên bức tường sơn loang lổ, vẫn những bài báo giới thiệu quán đóng khung treo hai bên tường. Dù quán nổi tiếng với sự lâu đời với phương pháp cà phê vợt, anh tìm đến quán Cheo Leo vì một thứ khác. Anh tìm kiếm ở quán một sự giao thoa giữa các thế hệ. Quán “đủ” nổi để thu hút các bạn trẻ từ khắp nơi dẫu không máy lạnh, không bàn đủ rộng để làm việc, cũng không các thức uống quá bắt mắt. Và, với giá cả trên dưới hai chục cho ly cà phê, quán cũng đón tiếp nhiều khách hàng thuộc thế hệ trước mà có lẽ sinh sống ở khu vực này. Có thể nhận ra sự giao thoa không chỉ qua độ tuổi trên gương mặt, mà còn ở những bộ đồ, cách họ gác chân, cách họ cầm trên tay điếu thuốc, hay hiếm gặp hơn là những tờ báo giấy ngỡ đã tuyệt chủng từ thuở nào.