Chủ đề: tự do

Chị Trịnh Kiều Trang:

Chào mọi người,

Xin lỗi vì trả bài hơi muộn, nên mình gộp hai bài làm một viết cho thật dài và cảm xúc ạ :D. Hôm nay mình xin phép viết về những điều mình yêu thích ở Nhật. Thật sự là hồi nhỏ mình yêu thích nước Pháp, thích dòng sông Sein, thích tháp Eiffel, thích các kiến trúc cổ kính của các tòa nhà kiểu Pháp. Nhưng lớn lên dòng đời xô đẩy sao mình lại rất có duyên với Nhật. Mọi thứ cứ nhẹ nhàng đến như những mối duyên kiếp tiền định :v.

Trước khi đặt chân lên đất Nhật, Nhật Bản trong mình là một vùng đất nghèo nàn về tài nguyên thiên nhiên, thiên tại lũ lụt, sóng thần, động đất liên miên. Mặc dù vậy Nhật Bản vẫn là một cường quốc về kinh tế, hàng hóa của Nhật Bản thì luôn nổi tiếng và được ưa chuộng ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt ở Việt Nam. Nên mình luôn có một sự tò mò về con người và văn hóa Nhật Bản, tại sao con người ta thể mạnh mẽ kiên cường đến vậy? Có thể vượt qua mọi khó khăn thử thách về thiên nhiên để tập trung làm việc, xây dựng và phát triển đất nước như vậy? Mình sang Nhật với tâm thế trải nghiệm và học hỏi rồi sớm về thôi. Ấy thế mà mình cũng đã ở Nhật được 5 năm rồi và vẫn chưa có kế hoạch về. Nhật Bản có gì mà giữ chân mình lâu đến vậy?

  • Nhật Bản cho mình sự bình yên: Trước khi sang Nhật mình làm việc ở Hà Nội và tp Hồ Chí Minh, cuộc sống hối hả, tấp nập ở thành phố làm cho mình luôn cảm thấy vội vã, bận rộn. Ngày nào mình cũng ước 1 ngày có 48h để mình có thể thời gian tập thể dục, làm bánh, uống trà ôm ấp bầu bạn cùng bản thân. Khi sang Nhật mình sống ở một thành phố nhỏ, phía nam của Nhật, không có những trận động đất, sóng thần hay thiên tai nào cả, cuộc sống rất đỗi bình yên. Mình cũng có rất nhiều việc phải làm: báo cáo, thuyết trình, thí nghiệm, đi chợ, nấu cơm rửa, dọn nhà… Nhưng ngày nào mình cũng thấy mình còn dư thời gian để thong dong, nghĩ ra bao nhiêu món ngon để thử, làm được bao nhiêu thứ trước muốn làm mà không có thời gian để làm. Có lẽ một ngày mình không phải dành thêm mấy tiếng đợi chờ thang máy, dưới hầm để xe và ngụp lặn trong biển người ngoài đường mỗi khi vào giờ cao điểm. Ấy là lúc mình còn độc thân, bây giờ có con rồi thì lại mong một ngày dài 48h :v :v.
  • Nhật Bản cho mình sự an tâm: Trước đây mình luôn đắn đo ăn gì, mua gì, làm thế nào để mua được hàng thật giá thật. Học 1001 bí kíp phân biệt các loại hàng thật hàng giả, hoặc phải tiết kiệm dồn tiền để mua những món đồ ngoại xách tay hay hàng Nhật nội địa cho yên tâm về chất lượng. Sang Nhật thì xung quanh ngập tràn đồ nội địa Nhật rồi, muốn mua gì chỉ cần lựa siêu thị gần chạy ra mua. Nhiều tiền thì xài đồ nhiều tiền, ít tiền thì xài đồ ít tiền. Mình không còn phải trải nghiệm những cảm xúc tiêu cực, bực dọc kiểu mất đống tiền mua hàng thật nhưng vẫn mua phải hàng giả nữa.
  • Nhật Bản rèn cho mình thói quen đúng giờ và sự tiện nghi: Ngày ở Việt Nam trong mỗi cuộc hẹn bàn bè hay thâm chí là cuộc họp mà muộn 2-3’ là chuyện bình thường, nhưng ở Nhật chậm tàu 30s thôi là đi tàu ngó rồi. Nên mình rất biết ơn những chuyến tàu bị muộn làm mình trở nên có ý thức và nghiêm túc về thời gian nhiều hơn. Ở Việt Nam mình thích chơi cầu lông nhưng không tìm được sân cầu gần nhà là mình nghỉ chơi luôn. Ấy thế mà, không biết động lực nào làm mình có thể đi 200-300 km để đánh giải cầu lông ở Nhật. Mình nghĩ có lẽ là do sự tiện nghi của hệ thống giao thông Nhật Bản, đặc biệt là tàu điện. Mặc dù rành hết tiếng Nhật lắm nhưng mình tự tin là có thể đi khắp Nhật Bản bằng tàu điện.
  • Nhật Bản cho mình sự tử tế: Mọi người hay nói là người Nhật thảo mai, cười nói trước mặt mình vậy thôi nhưng thực sự họ không nghĩ vậy. Nhưng mình lại thấy việc mình cố gắng chú ý lắng nghe người khác nói, hoặc tỏ vẻ thích thú để hưởng ứng những câu chuyện của người khác nó là một sự tử tế. Ngày xưa mình hay kiểu, mọi người nói gì cứ nói mình vẫn nghe nhưng lại không tập trung hoặc lại làm việc khác, có lẽ như vậy cũng làm cho người nói chuyện cùng mình bị mất hứng. Các cụ nhà mình cũng dạy là “lời nói chẳng mất tiền mua lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” mà. Mình nghĩ là với những bạn bè xung quanh hay thậm chí là những người không quen biết cũng có mất gì đâu khi mình dành cho họ một nụ cười ủng hộ thay vì những lời hằn học.
  • Nhật Bản cho mình sự thống nhất và bài bản: Trước khi sang Nhật mình cũng ngưỡng mộ cách nuôi con của người Nhật, mình cũng đọc vài quyển sách tham khảo. Nhưng thực tế mình vẫn nghĩ là sách viết vậy thôi, thực tế chắc gì đã vậy, ở đâu cùng có cái nọ cái chai. Rồi ngày mình đẻ cũng đến gấn, lần đầu làm mẹ, hoang mang tột độ, không ở gần gia đình không có người phụ giúp, bao nhiêu kiến thức đọc được trong sách cũng rụng mất tiêu rồi. Đẻ con xong những điều mình lo lắng hoang mang lại không đến, mình vẫn chẳng biết gì, vẫn vụng về như bản tính của mình nhưng mình được các cô y tá chỉ các chăm con, cho con ăn ngủ như nào, thay bỉm như nào, tắm như nào…. đúng là như trong sách luôn, vừa học vừa thực hành luôn. Ngày ra viện mình cảm thấy tự tin như vừa tốt nghiệp khóa học làm mẹ. Ấy là mình bầu và sinh trong thời gian Covid nên các khóa học phụ đạo tiền sản dành cho bố mẹ của bệnh viện bị cắt bỏ rồi chứ không mình còn được trải nghiệm và học nhiều hơn thế nữa. Đến khi con mình đi học, mình càng cảm nhận rõ ràng hơn về giáo dục, văn hóa và xã hội Nhật Bản có sự thống nhất rất rõ ràng và rất quy củ. Có lẽ chính sự thống nhất từ đời thường đến sách vở, từ gia đình, đến nhà trường làm cho xã hội Nhật, văn hóa Nhật nó là một cái gì đó rất hệ thống và qui củ.

Năm ngoài mình cũng có cơ hội được đến Pháp, được đi bộ dọc dòng sông Sein, trèo lên tháp Eiffel ngắm Paris, mình vẫn thích Pháp như ngày bé, nhưng bây giờ mình thích thêm cả Nhật nữa. Mình nghĩ là còn rất nhiều điều nhỏ bé làm mình thêm yêu Nhật Bản hơn nữa, nhưng mình phải đi đánh cầu lông rồi. Ngày mai mình lại đi đánh giải cầu lông cách chỗ mình hơn 100km thôi. Mọi người chúc mình có giải mang về nhé! Hẹn mọi người ở những freewriting tiếp theo nhé!

 

Nguyễn Nam Quốc

From: Adeus aos Livros (Goodbye to Books, 2020)

“Somos la memoria que tenemos y la responsabilidad que asumimos. Sin memoria no existimos y sin responsabilidad quizá no merezcamos existir” José Saramago (1922-2010)
We are the memory we have and the responsibility we assume. Without memory we do not exist and without responsibility perhaps we do not deserve to exist.

Đây là khởi đầu của một tập phim ngắn của các học sinh chương trình Erasmus mà mình có dịp xem qua trên Aeon.co. Câu nói trên mang lại cho mình nhiều suy nghĩ, nhất là về ý nghĩa của ”trách nhiệm”. Tuy vậy, hôm nay mình muốn nhìn tập phim này một cách phóng khoáng hơn, thoải mái hơn, và tự do hơn.

Mình xem tập phim này cũng đã lâu, kí ức cũng không còn lại nhiều, nhớ lại chủ yếu nội dung về một tiệm sách nhỏ và cũ tại Bồ Đào Nha, được vận hành bởi một cặp vợ chồng già. Điều thú vị, mà chắc những ai từng ghé thăm các tiệm sách cũ cũng sẽ để ý một phần, đó là sự sắp xếp sách vở rất lộn xộn, và cảm giác như chẳng có một trật tự, một chỉ dấu nào để ta có thể định vị được quyển sách nào ở đâu.

Vậy mà, ông chủ cửa tiệm vẫn có thể nhớ và chỉ ra được quyển sách/tài liệu nào có ở đâu, có trong “thư viện” của mình hay không. Có lẽ, dù trong cái thứ mà nhiều người ngoài nhìn vào chỉ thấy sự hỗn độn, ông lại thấy có một quy luật nào đó ẩn trong đó. Thú vị thật, quy luật trong bất quy luật. Điều này gợi cho mình sự thích thú, không phải chỉ vì sự tương phản đó, mà quy luật (ordered) trong hỗn độn (disordered) là một hiện mà những nhà khoa học đã chú tâm. Hiện tượng đó là nhiễu động (turbulence).

Turbulence không khó để thấy xung quanh ta, một ly cà phê nóng buổi sáng với cột khói bốc lên. Cột khói ấy trên đường leo lên trần nhà sẽ tạo ra những đường xoắn khác nhau, một cảm giác thật ma mị. Và, dĩ nhiên như bao người khác, đối với mình cột khói ấy đầy sự ngẫu nhiên, nhưng thật sự có ngẫu nhiên đến vậy hay không, hay thật ra khi ta nhìn vào cấu trúc của một nhiễu động, chúng ta sẽ thấy những cấu trúc hệt như vậy, chỉ là đang tồn tại ở kích thước nhỏ hơn (Energy cascade, Kolmogorov microscales) .

Và nhìn lại cuộc đời, có khi những biến động tưởng chừng như ngẫu nhiên, lại là một hệ quả của những dạng mẫu nhất định, chỉ là ở những quy mô nhỏ hơn mà ta thường bỏ qua. Hay, khi ta quá chu tâm vào những biến động, ta cảm thấy cuộc đời ta thật biến động, và chỉ khi ta nhìn rộng ra, ”lấy trung bình” toàn bộ cuộc đời, ta lại thấy cuộc đời mình cũng ổn đấy chứ, chỉ là những lúc “nhàm chán”, ta không biết quý trọng và tận hưởng nó.

Và quay lại, điều mình để ý khi xem đoạn phim chính là việc những lứa già hơn dần dần khép lại. Mình không biết vì sao, nhưng mình có cảm tình với những khuôn mặt già. Và trong quá trình nghĩ lại, xem xét lại những cảm xúc của mình, những khuôn mặt người ấy không phải lúc nào cũng ngang hàng nhau.

Lại nhớ, đợt mình đi học trên Tohoku, trở về ký túc xá từ viện nghiên cứu. Điều đặc biệt của ngày hôm đó? Không gì cả, chỉ là ở ngã tư, thay vì rẽ trái như thường lệ, mình đi thẳng. Không vì lý do gì, chỉ muốn đi thẳng. Và khi mình băng qua ngã tư ấy, dưới những hạt tuyết lất phất, lướt quá khóe mắt là một của hiệu hanko, không to không nhỏ, với tấm bảng hiệu màu đã cổ. Điều thu hút sự chú ý của mình, là ”cô” nhân viên quán với mái tóc ngắn. Mình nghĩ mái tóc ngắn ấy có một tên riêng, vì kiểu tóc ấy khá thịnh hành vào những năm 60-70 (?) tại Nhật Bản. Trùng hợp, hay đúng hơn là thú vị, vì kiểu tóc ấy mang lại một cảm giác xưa cũ không khác gì cảm giác của một thằng du học sinh 2x nhìn hanko. Cơ mà, cô ngồi đó, im lặng nhìn ra cửa sổ, chắc hẳn là đợi một vị khách nào đó bước qua tấm cửa trong một đêm lạnh giữa tháng 1.

Cô nghĩ gì? Cô ngồi đó bao lâu? Cô mong chờ điều gì? Hằng ngày suy nghĩ của cô có khác đi không? Hay suy nghĩ của cô sẽ có sự thay đổi? Bao nhiêu câu hỏi ùa đến, và mình mỉm cười, mỉm cười vì một sự thân thương. Những suy nghĩ đó không mới, vì đó là những gì mình suy nghĩ khi còn ngồi trên xe buýt rong ruổi trên con đường đến trường cấp 3. Chỉ khi ngồi trên xe buýt, mình mới có thể thong thả ngắm nhìn phố phường, ngắm nhìn cuộc sống vỉa hè đầy năng động. Và tâm điểm của cuộc sống vỉa hè đó, là những khuôn mặt người. Những khuôn mặt người của những đứa trẻ con xóm chợ Gò Vấp, những khuôn mặt người của các bác bảo vệ áo xanh dưới tấm biển vàng của Ministop, hay khuôn mặt của ông già râu tóc xồm xoàm ở trần nướng bánh trên đường Lê Quang Định. Những khuôn mặt ấy, không biết còn hay mất, nhưng luôn là một điều gì đó mình mong chờ, và là lý do để mình bắt xe buýt khi về VN.