Chuyện sở thích.
Nhiều lúc thấy mệt vì vòng luẩn quẩn tìm thứ mình thích-thử nó-hết thích-tìm một sở thích khác.
Có ổn không nếu mình không thực sự có sở thích hay hơn nữa là đam mê? Có ổn không khi nếu cuộc đua tìm kiếm đam mê này mình không chơi nữa? Nhỡ sau có thành công thì bài phát biểu của mình sẽ không-truyền-cảm-hứng-cho-lắm thì sao nhỉ?
Hừm, dù mình chưa cưỡng lại được việc chạy theo người khác (và bị áp lực bởi người xung quanh aka vẫn còn fomo lắm) nhưng suy cho cùng, nếu ai làm được điều trên thì mình ủng hộ.
Vì mình không thực sự thích một cái gì cả. Và, mình thực sự bị áp lực bởi việc tìm kiếm một sở thích cho riêng mình.
Hầu hết những “sở thích” của mình phần lớn là làm vừa lòng người khác.
Mình thích piano không? – Thích! Vì ai đấy thích con gái biết chơi đàn
Mình thích tennis không? – Thích! Vì ai đấy thích con gái khỏe mạnh.
Mình thích môn này-môn kia không? – Thích! Vì chết mê chết mệt ai đấy thích bộ môn đấy…
Người ta bảo, động lực bền vững để duy trì thói quen hoặc biến sở thích thành một cái-gì-đó-sâu-sắc phải là động lực nội tại. Nhưng mà điều duy nhất giữ cho mình tiếp tục những “sở thích” kia là liên tục có người kì vọng hoặc là mình muốn tìm điểm chung với người mà mình thích.
Có lẽ sở thích của mình là khiến người khác hài lòng, là có điểm chung với người mình thích.
Có lẽ vì thế mà mình không ngừng nghỉ tìm sở thích mới. Vì mình thích thứ người-mình-thích thích!
Mà, có lẽ vì thế mà khi mình không còn kết nối với một người nào đấy, mình tự nhiên không “thích” sở thích của mình nữa…
Chuyện về nhì.
Hồi đi học ở Việt Nam, mình sợ thi cử đến mức mấy hôm trước ngày thi đều mất ngủ, tới ngày thi run cầm cập không cầm nổi bút. Thường thì mình sẽ đổ cho trời không độ, hôm đấy sao thủy nghịch hành, các cụ đi vắng, đi chùa chưa đủ thành tâm… Mình biết rằng do chưa bao giờ chuẩn bị kĩ nên mới thiếu tự tin như vậy.
Cuối tuần trước mình vừa thi đấu lại sau gần 2 năm. Đêm vẫn mất ngủ, tay vẫn run cầm cập, người vẫn cứng đơ. Và vẫn không phải là số 1, như mọi khi.
Trong thi đấu thể thao có câu nói về những người không đứng ở bục cao nhất. Đại loại là người ta sẽ chỉ nhớ tên người được Huy chương Vàng, những giải còn lại thì là giải an ủi. Nói thật là ngoài VDV Huy chương Vàng ra thì mình cũng sẽ chẳng nhớ người về nhì, về ba nếu không phải người quen. Bởi vậy, VDV thi đấu thể thao chuyên nghiệp đều hướng tới 1 vị trí duy nhất mà thôi. Nên khi về nhì cũng buồn chút. Mà biết sao được. Mà cũng không có tư cách để buồn.
Khi người ta có chuẩn bị, có quyết tâm, thì mới có tư cách để tức tưởi. Mình là kiểu dễ bỏ cuộc, và cũng không tâm huyết đến thế. Cái suy nghĩ bỏ cuộc lởn vởn trong đầu mình từ trước khi bắt đầu vòng loại và đi theo tới chung kết. Kiểu:
“Bạn kia rank 1 China, chắc không ăn được đâu”
“Uồi bạn này đánh hay quá, hay thôi Huy chương đồng cũng được nhỉ”…
“Còn tận 1 phút mà mệt quá rồi. Buông thôi” – Và buông thật. Nên là, thua.
Thực ra, mình buồn vì không đạt thành tích cao cho team hơn là mình buồn vì thua. Cũng may là trước giờ toàn chọn bộ môn chơi 1 mình, chứ chơi môn đồng đội chắc đồng đội khóc hết nước mắt. Ghét chịu trách nhiệm!
Nhưng chắc lần sau vẫn đấu. Đấu đến khi nào hết sợ thi đấu thì thôi!
Q:
Ây dà giờ phải viết thêm để nộp cho quỹ nghiên cứu sau khi tạch JSPS DC1. Giờ phải viết Sasakawa, sau đó phải chuẩn bị hồ sơ để nộp gia hạn MEXT và có thể là JST cho năm sau. Giờ mới nhận ra MEXT có một điểm hạn chế là tháng nào cũng phải ký học bổng, làm hạn chế rất nhiều khả năng giao lưu và sự lưu động của sinh viên. Ví dụ mình đang ở Sendai theo kế hoạch là học 1 tháng, nhưng chủ nhật vừa rồi phải trèo về Tsukuba, rùi thứ 2 sáng ký học bổng là lại trèo lên lại Sendai, vừa tốn ngân sách vừa tốn thời gian. Đương nhiên những người ra luật cũng có lý do của họ, cơ mà mình nhớ là trong lúc Corona thì phần ký đó không cần thiết (?). Mặc dù mình có gửi email lên để trình bày tình hình và xin phép ký thay thế ở trường Tohoku, đề xuất của mình cũng không được chấp nhận. Đáng tiếc, điều này đồng nghĩa mình sẽ không thể nhận lời dù thầy có đề xuất cho đi ra lab nước ngoài nữa. Nên sẽ tốt hơn cho cả thầy, lab, và mình nếu mình nhận được một học bổng khác mà có sự tự do hơn.
Lại nhớ, thật ra kế hoạch của mình là sủi sau khi đại học cơ, nhưng điều gì mình lại có lẽ là có 2 thứ: 1) độ trì: khi có nhiều thứ dở dang ở năm 4 đại học thì theo lẽ thường cũng muốn dọn cho gọn ghẽ vào 2 năm thạc sĩ. Chưa kể, việc bắt đầu ở một lab mới, nhận ra mình thiếu năng lực ở những mảng khác như thế nào, đó cũng là điều đáng sợ. 2) Mọi thứ cứ thế tiếp diễn: nói thật thì mình đã mang tư tưởng nghiên cứu là một chuyện “sẽ xảy ra” với mình, đối với mình nó như một điều hiển nhiên, như chó sủa vậy :v. Nên việc mình làm nghiên cứu, tiếp tục giải quyết vấn đề, nó cứ thế xảy ra.
Nói là hối hận cũng không hối hận, hay nuối tiếc gì, chỉ là nên nhận ra vì sao mình hành động như vậy để đến lần tiếp theo, khi thật sự muốn làm điều gì đó mình có thể xác định tốt được các yếu tố ngăn cản/ trì hoãn để có thể có những biện pháp kịp thời/ thích hợp.
Mà nói chứ dạo này cũng lười, cũng thiếu tập trung dần. Để hết khoảng thời gian túi bụi này thì mình sẽ dành thời gian một xíu để giải lao và nhìn vào bên trong bản thân nè. Còn nhiều chuyện phải làm, kể cả bên trong lẫn bên ngoài bản thân. Mình nghĩ mình sẽ còn phải giải quyết nỗi bất an bị người khác khinh thường, nhất là sau khi có cảm giác nghiên cứu của mình không được đánh giá cao bởi các giáo sư khác, và khi họ không hồ hởi lắm nói chuyện với mình. Dù sao thì, sự thất bại/ sự phủ nhận là một cái mình nên quen, không hẳn là chấp nhận vì nó thuộc về chủ quan của người nhận xét, mình không nên để điều đó làm ảnh hưởng tới câu hỏi nghiên cứu, hay về sự yêu thích nghiên cứu của bản thân. Nhưng, biết được, nhận thức được, lý giải được những câu hỏi, nghi vấn từ các thầy cô khác cũng là tối quan trọng để cải thiện nghiên cứu và cải thiện bản thân mình.