VANJ-NET là chuỗi Webinar được thực hiện bởi VANJ, với mục tiêu kết nối và lan tỏa tri thức trong cộng đồng học thuật người Việt đã, đang và sẽ sinh sống ở Nhật Bản. 

Tiếp nối câu chuyện về nguồn cảm hứng để làm nghiên cứu ở kì trước, VANJ-NET số thứ ba với chủ đề “Kinh nghiệm chinh phục học bổng Nhật Bản” đã được phối hợp tổ chức vào 21h ngày 22/07/2023 với sự đồng hành của 6 khách mời – là những vị phó giáo sư, tiến sĩ và nghiên cứu sinh hoạt động tích cực trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học tại Nhật Bản và sự tham gia tương tác của gần 100 khán thính giả. 

Ở buổi chia sẻ này, MC Phong cùng 6 khách mời (PGS TS Phan Trung Nghĩa, PGS TS Đào Thị Ngọc Anh, Giáo sư trợ lý, TS. Nguyễn Văn Triết, TS. Trịnh Xuân Trường; ThS. Nguyễn Thị Thảo, ThS. Nguyễn Hữu Lê Quang Tín) đã cùng thảo luận về các loại học bổng, cách apply và những khó khăn gặp phải trên con đường chinh phục học bổng Nhật Bản.

Hiện tại có 3 nhóm học bổng chính: 

  • Thứ nhất là những nhóm học bổng do chính phủ và những tổ chức quốc tế cấp. Gồm MEXT, JSPS, JASSO, JEES. Đối với người đã đi làm: Học bổng ADB-JSP, JDS, JICA, IMF Open Track.
  • Thứ hai là do các trường đại học cấp. Thường sẽ được miễn giảm học phí toàn phần hoặc một phần. Ngoài ra còn có các chương trình khác như Top Global Program, Chương trình Next Generation Program.
  • Thứ ba là do các quỹ học bổng tư nhân hoặc chính quyền hay tổ chức địa phương cấp. Như là học bổng Honjo, Otsuka Toshimi, Sato Yo, Rotary, Iwatani, Aichi Government Scholarship

Đầu tiên là chuẩn bị hồ sơ, nên tham khảo trên trên web chính thức của học bổng hoặc của Đại sứ quán vì những thông tin mới nhất và đầy đủ nhất đều được cập nhật ở đấy. Sau đó sẽ liên hệ với giáo sư, tùy thuộc vào mỗi loại học bổng sẽ có những quy định khác nhau. Có những loại học bổng nếu muốn tăng tỷ lệ đỗ thì mình cần phải liên hệ trước. Tuy nhiên cũng có những loại học bổng sau khi nhận được học bổng rồi mới chọn giảng sư sau. Nên các bạn cần tìm hiểu kỹ về cái học bổng mà mình định ứng tuyển. Đặc biệt thầy của anh Tín muốn dặn dò đến các bạn khi viết hồ sơ là phải cố gắng viết một cách cụ thể, có trình tự, có thời gian rõ ràng. Bởi vì một sinh viên giỏi chưa chắc viết hay nhưng viết hay thì chắc chắn giỏi.

Về khó khăn, chị Thảo chia sẻ trước là khó khăn vượt qua chính mình, ra khỏi vùng an toàn, khi chị đã có công việc ổn định và gia đình ở Việt Nam. Để tự tạo động lực và vượt qua, chị dành thời gian với chính mình để trả lời cho các câu hỏi vì sao mình muốn tham gia học bổng. Nếu không tham gia thì nó sẽ như thế nào?…vv…Theo anh Tín, ngoài những yếu tố như về nghiên cứu, đề tài nghiên cứu hay thể hiện bản thân các bạn cũng nên lưu ý học bổng chính của Nhật lập ra để nhằm tăng cường hợp tác, tạo cầu nối giữa Việt Nam và Nhật Bản nên hồ sơ các bạn cần thể hiện nếu các bạn nhận được học bổng này, bạn có thể đóng góp cho xã hội giữa hai quốc gia như thế nào, và viết vào hồ sơ, khó khăn hơn nữa cũng là sau khi nhận được học bổng. Vì học bổng thông thường của bậc cao học sẽ có hai giai đoạn: Một là research student (nghiên cứu sinh) đây giống như giai đoạn thử thách của bạn, bạn vẫn sẽ nhận được tiền và vẫn sẽ được theo học tại trường bạn mong muốn. Nhưng sau đó bạn sẽ phải thi sát hạch. Ví dụ bạn nộp vào học thạc sĩ, không phải bạn sẽ được vào học thạc sĩ ngay. Trong quá trình từ sáu tháng cho đến một năm, bạn sẽ phải vừa học tiếng Nhật, văn hóa để hòa nhập với cuộc sống, luyện tập để thi để qua được kỳ thi mà trường bạn mong muốn. Nếu bạn thi không đạt và không tìm được chỗ nào khác thì khả năng cao ước mơ học bổng của bạn sẽ bị tạm dừng.

Tiếp theo với cương vị là giám khảo đọc và chọn lọc hồ sơ, thầy Nghĩa chia sẻ những tiêu chí khi xét tuyển, thường một năm ở Nhật có hai semester vào tháng 3 và 8 hoặc 9, tuy nhiên chúng ta phải đăng ký sớm để kịp. Từ khoá 5K được thầy Nghĩa nhấn mạnh các bạn nên chuẩn bị làm hành trang khi sang Nhật: Kiên nhẫn, Kiên trì, Kiên quyết, Kiên cường, Kiên định và nhất là sức khoẻ.

Kế đến cô Ngọc Anh gợi ý các ngành thế mạnh của Nhật Bản trong hệ cao học như: ngành kỹ thuật và công nghệ, sau đó là các ngành khoa học xã hội và tự nhiên, y học và dược phẩm hoặc nông nghiệp thông minh vì thị trường lao động dành cho các ngành này khá cao. Vì tỷ lệ chọi cũng cao nên khả năng xin được học bổng phụ thuộc rất nhiều ở việc hồ sơ của bạn nằm ở vị trí nào trong số lượng hồ sơ cùng nộp vào học bổng đó. Mình có thể tìm hiểu cái lịch sử cấp học bổng của những năm trước đó có tỷ lệ chọi bao nhiêu, những người có thành tích, hồ sơ như thế nào thì thường được chọn và bản thân mình thì ở vị trí nào so với những bạn đó. Hầu hết những thông tin này được giới thiệu trên các trang web của các tổ chức cấp học bổng để các bạn có thể tìm hiểu một cách kỹ lưỡng. Và các bạn cũng có thể hỏi thêm các anh chị đã nộp vào học bổng đấy. Lắng nghe bài học kinh nghiệm của họ cho dù là thành công hay thất bại thì cũng sẽ cung cấp cho những cho các bạn những thông tin bổ ích.

Thầy Triết giới thiệu tình hình tuyển sinh viên có nhận học bổng tại nơi công tác: Thứ nhất là học bổng MEXT được sự giới thiệu từ chính phủ hoặc là từ trường. Nhìn chung loại học bổng này rất là ít. Hầu như trong khoa chỉ được có một vài người. Cái thứ hai là ở một số trường thì có các chương trình về các lĩnh vực nghiên cứu mới sẽ nhận được hỗ trợ kinh phí từ bộ giáo dục. Cái thứ ba là sau khi nhập học nếu thành tích tốt có thể được nhà trường cấp học bổng, ngoài ra các trường công lập còn miễn giảm học phí lên đến 100%, đặc biệt là chương trình cấp tiến sĩ sẽ được hỗ trợ kinh tế nhờ vào join dự án cùng giáo sư.

Về tiêu chí đánh giá của các PI khi xét hồ sơ và cách chọn, viết đề tài nghiên cứu, cô Ngọc Anh nêu lên 3 yếu tố chính là: một là thành tích học tập kinh nghiệm nghiên cứu của các bạn; hai là nội dung về đề tài nghiên cứu các bạn dự định sẽ làm.Thứ ba là các cách thể hiện về bản thân khác. Ví dụ như các thành tích, giải thưởng, sở thích cũng như động lực cá nhân, hoàn cảnh cá nhân…vv. Tuy nhiên ngoài 3 tiêu chuẩn chính ấy, thứ tự ưu tiên sẽ khác nhau tùy thuộc vào giáo sư. Ví dụ có giáo sư thì sẽ chỉ quan tâm tới các bảng điểm của các bạn thôi hoặc có giáo sư sẽ rất chú trọng bạn đã học đại học ở trường nào có phải là trường top hay không, có giáo sư khá khó khăn nếu lĩnh vực bạn có kinh nghiệm nghiên cứu không trùng hoặc không phù hợp với nghiên cứu của giáo sư vậy nên tốt nhất thì các bạn có thể hỏi thăm trước các anh chị sinh viên ở trong phòng thí nghiệm đó về thầy, về giáo sư và tìm hiểu thêm các thông tin khác về giáo sư để mình chuẩn bị hồ sơ được phù hợp nhất. 

Cả ba thầy cô đều quan trọng cách thí sinh viết nội dung email có đầy đủ, rõ ràng, lịch sự hay không. Rồi mới đến xem các file đính kèm, đặc biệt là research plan đã được đầu tư thời gian tìm tòi, nghiên cứu để viết chưa…sau đó thu xếp hẹn phỏng vấn. Một số lưu ý khi phỏng vấn đó là sự chuẩn bị, tạo được dấu ấn cá nhân thay vì học máy móc một công thức nào đó ở trên mạng, nhất là khi nói về động lực khi xin học bổng của bạn. Môi trường phỏng vấn lịch sự ngăn nắp, đường truyền mạng internet ổn định, check âm thanh…giao tiếp trôi chảy tự tin, thành thật, nhìn vào mắt của người phỏng vấn.

Thông điệp nhắn gửi từ khách mời: 

❤ Cố gắng phát huy nội tại của mình, các tác động bên ngoài chỉ là một phần nhỏ, hãy chuẩn bị thật tốt về sức khoẻ, kiến thức để đi trên một hành trình dài phía trước.

❤ Hãy theo đuổi điều mình thích, đam mê sẽ giúp bạn thành công, thay vì chú trọng có lấy được học bổng hay không vì đó chỉ là bước đầu tiên trong quá trình học tập, trải nghiệm cuộc sống mới.

❤ Cần xác định rõ mục tiêu, mục đích rõ ràng mới có thể vượt qua được khó khăn và thử thách.

❤ Hãy dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn, mọi thứ không đáng sợ như bạn nghĩ.

❤ Hãy đặt mục tiêu, khi có mục tiêu sẽ có con đường mở ra, không đi được con đường này thì sẽ có đường khác, không có học bổng này sẽ có học bổng khác.

❤ Nắm bắt thông tin, nộp nhiều hồ sơ cho nhiều học bổng khác nhau.

 

Người tổng hợp: Phạm Ngọc Hải Dương, Ban Seminar-VANJ

FPT Nhật Bản

Liên hệ: hadu0212@gmail.com