Đại dịch COVID-19 đã gây ra một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất về kinh tế, xã hội, văn hóa trong lịch sử của nhân loại. Tuy nhiên, thế giới đã chứng kiến những nỗ lực lớn nhất của người dân và các quốc gia trong việc ngăn chặn và đẩy lùi sự phát triển của Đại dịch cũng như phục hồi lại những tổn thất do Đại dịch này gây ra. Điều ấy được thể thông qua việc các quốc gia đã áp dụng những biện pháp mạnh nhất, ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến, hiện đại cùng với sự huy động tham gia của cộng đồng một cách tích cực nhất. Trong bối cảnh đó, Khoa học và công nghệ đã đóng góp như thế nào trong cuộc chiến với Đại dịch này? Đây sẽ là chủ đề chính của Buổi Hội thảo online sẽ diễn ra ngày 30/5/2020 tới đây của Mạng lưới học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản, VANJ.
Nhiều công nghệ tiên tiến (cutting-edge technologies) và trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence, AI) đã và đang được ứng dụng nhằm giúp con người đối phó với đại dịch, từ việc chế tạo thuốc và vaccine, sản xuất dụng cụ y tế, phát triển chẩn đoán dựa vào X-Quang, cho đến phát triển mô hình dự đoán sự bùng phát và lây lan dịch bệnh. Tuy đã đạt được những thành tựu quan trọng, các công nghệ tiên tiến và AI cùng các ứng dụng luôn cần được hoàn thiện hơn để đáp ứng nhu cầu thực tế. Đặc biệt, khi tiếp cận với các vấn đề liên quan sức khoẻ của con người, độ chính xác và an toàn là điều kiện tiên quyết để áp dụng các công nghệ trên. Song song với đó, các vấn đề như bảo mật (security) hay đảm bảo quyền riêng tư (privacy) của dữ liệu cũng cần được đặc biệt chú trọng.
Với mong muốn đem đến cho khán giả những thông tin bổ ích và cái nhìn đa chiều về vấn đề nói trên, trong tháng 5 này, VANJ rất hân hạnh tổ chức Hội thảo Online với chủ đề “Vai trò của khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo trong COVID-19”. Tham gia Hội thảo Online này khán giả sẽ có cơ hội được lắng nghe chia sẻ và giao lưu với các diễn giả là các nhà khoa học, chuyên gia, nhà sáng chế có nhiều năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực AI, khoa học dữ liệu và sản xuất máy thở. Thông tin về các diễn giả tham gia Hội thảo Online như sau:
✩ Ông Trần Ngọc Phúc, Người sáng lập kiêm Chủ tịch công ty Metran, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản. Cùng công ty Metran, ông đã có hơn 30 năm kinh nghiệm cùng nhiều phát minh sáng chế quan trọng trong lĩnh vực sản xuất máy thở.
✩ Giáo sư Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán tại Việt Nam (Vietnam Institute for Advanced Studies in Mathematics – VIASM), Giám đốc khoa học viện John Von Neumann, Giáo sư danh dự Viện JAIST (Nhật Bản).
✩ Phó Giáo Sư Trần Thế Truyền, Viện Trí tuệ nhân tạo ứng dụng (Applied Artificial Intelligence Institute), Đại học Deakin (Úc), chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu deep learning và ứng dụng trong khoa học sức khỏe, nghiên cứu gen, phần mềm, vật liệu.
Ban Tổ chức trân trọng kính mời quý vị và các bạn đăng ký tham gia Webinar để cùng lắng nghe và trò chuyện với các diễn giả.
Thông tin cụ thể về seminar:
● Thời gian: 15:00-17:00 (giờ Nhật Bản) ngày 30/5/2020
● Hình thức: Webinar (Zoom)
● Phí tham gia: Miễn phí
● Link đăng ký tham gia: http://events.vanj.jp/reg/
※Lưu ý: Mục đích của seminar nhằm cung cấp thông tin hữu ích giúp khán giả hiểu hơn về công nghệ mới và AI trong việc chống dịch bệnh. Những nội dung thảo luận và chia sẻ tại seminar là những thông tin, nhận định của cá nhân diễn giả, không phải là phát ngôn đại diện của các đơn vị diễn giả đang công tác.
Trân trọng,
VANJ (Vietnamese Academic Network in Japan)
Website: https://vanj.jp
Group: https://www.facebook.com/groups/vanj.jp/
Fanpage: https://www.facebook.com/vanj.jp
Thông tin về các Diễn giả
PGS.TS. Trần Thế Truyền, Viện AI Ứng dụng, Đại học Deakin, Úc
GS.TS. Hồ Tú bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM), Viện John von Newmann (ĐHQG TP.HCM)
Ông Trần Ngọc Phúc, Chủ tịch Công ty Metran, Metran America và Biotran (USA), Giám đốc điều hành công ty MAGOS, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản (VAU)