Tết sắp đến rồi, thi thoảng lên internet để cảm nhận chút không khí nhà nhà tấp nập sắm Tết, thì mình chỉ toàn nhìn thấy hình ảnh và số liệu của một “Hà Nội bụi”. Bụi thì không mới, nhưng gần đây tình trạng trở nên đáng báo động hơn nhiều bởi những chỉ số vượt cả ngưỡng “nguy hiểm”. Bản thân cũng thấy lo lắng cho gia đình và mọi người ở nhà. Nhân tiện viết bài này, hi vọng có thể chia sẻ một số góc nhìn khoa học đến mọi người.
Hãy chung tay vì một môi trường xanh-sạch-đẹp cho Việt Nam!

breath

Một trong những nghiên cứu đầu tiên từ những năm 1990 đã chỉ ra bằng chứng rõ ràng về việc tiếp xúc với nồng độ cao của bụi mịn trong không khí góp phần dẫn tới các chứng bệnh về hô hấp và tim mạch. Vào năm 2019, các nhà dịch tễ học bổ sung thêm về mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và sự gia tăng các vấn đề khác về sức khỏe, đặc biệt đối với bào thai và giai đoạn đầu trong sự phát triển của trẻ sơ sinh.

Đến thời điểm này, chúng ta đã biết rằng việc hít thở các hạt bụi nhỏ hơn 2.5 µm (PM2.5) ảnh hưởng tới sức khỏe thai nhi và trẻ sơ sinh. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy tỉ lệ thụ tinh nhân tạo giảm đáng kể đối với những phụ nữ thường xuyên tiếp xúc với PM2.5 và các loại bụi than, hay sự gia tăng trong vấn đề về trí nhớ của trẻ sơ sinh nếu các bà mẹ mang thai trong điều kiện tương tự.

Khi các nhà dịch tễ học kéo dài danh sách các vấn đề sức khỏe khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong quá trình mang thai, thì các nhà sinh vật học tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về cơ chế và nguyên nhân của các vấn đề này. Một trong những kết quả sinh thiết học cho thấy bụi than đen có thể di chuyển từ cơ thể mẹ qua dây rốn đến thai nhi. Trong khi đó, kết quả nghiên cứu trên chuột thí nghiệm mang thai chỉ ra sự liên hệ giữa việc hít thở PM2.5 tiền sản và sự gia tăng các chứng bệnh trên chuột con, gồm có giảm dung tích phổi, tiểu đường, và gan nhiễm mỡ.

Các bài báo cáo, các kết quả nghiên cứu về không khí ô nhiễm và các vấn đề sức khỏe xuất hiện ngày càng nhiều. Nguyên nhân là do sự tiến bộ hơn của công nghệ, thiết bị khoa học, hay do sự gia tăng nhu cầu cần-phải-biết của xã hội? Có lẽ câu hỏi quan trọng hơn là chúng ta (chính phủ và từng cá nhân) cần phải làm gì với những thông tin này? Thay vì hoảng loạn, hãy gia tăng các biện pháp bảo vệ sức khỏe. Mỗi cá nhân cần có ý thức cao hơn trong việc bảo vệ môi trường. Có thể bắt đầu từ việc nhỏ bằng cách giữ gìn vệ sinh sạch sẽ nơi mình sống và nơi công cộng, đến những việc lớn hơn như tham gia các hoạt động “tình nguyện xanh”, giúp tuyên truyền cho cộng đồng gia tăng ý thức bảo vệ môi trường.
Tài liệu:
https://doi.org/10.1038/s41467-019-11654-3
https://doi.org/10.1289/ehp3169
https://doi.org/10.1073/pnas.1902925116
——-Nguồn: ACS. Dịch và tổng hợp: Đào Thị Ngọc Anh——-