Tác giả:

Tạ Đức Tùng, tiến sĩ ĐH Tokyo, thành viên Mạng lưới học thuật Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ)

Tạ Thị Khánh Hòa, kiểm toán viên Công ty PwC

Hiệu đính:

Đỗ Đăng An, nghiên cứu sinh ĐH Tokyo, thành viên Mạng lưới học thuật Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ)

TL;DR: Nhóm tác giả sử dụng bộ dữ liệu di chuyển của dân cư do Google cung cấp để phân tích mức độ giãn cách xã hội trên toàn nước Nhật cũng như tại các tỉnh nằm trong danh sách các tỉnh yêu cầu cảnh báo đặc biệt (bao gồm 13 tỉnh tại thời điểm ngày 17/04/2020). Kết quả phân tích chỉ ra rằng trong khi lưu lượng đi lại bằng phương tiện công cộng (tàu điện) và lưu lượng tới các khu trung tâm mua sắm giải trí giảm mạnh, thì lưu lượng tới công viên, siêu thị chỉ giảm rất ít, có nơi còn tăng hơn so với trước dịch. Đây có thể là một trong những lý do vì sao chính phủ Nhật quyết định xem xét kéo dài thời gian ban bố tình trạng khẩn cấp.

Hình 2: Thay đổi trong lưu lượng di chuyển của dân cư toàn nước NhậtThay đổi lưu lượng di chuyển của dân cư các tỉnh ở Nhật

Tóm tắt: Ngày 07/04/2020, Chính phủ Nhật công bố tình trạng khẩn cấp ở 7 tỉnh, thành phố lớn. Cùng với đó, dựa trên kết quả mô hình hoá đại dịch, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đưa ra khuyến cáo mọi người cần hạn chế đi lại và tiếp xúc trong thời gian tình trạng khẩn cấp có hiệu lực. Chính phủ đặt mục tiêu đạt được 80% giãn cách xã hội nhằm kìm hãm dịch SAR-CoV-2 (COVID-19). Ý nghĩa và cơ sở để đưa ra tỉ lệ giãn cách xã hội hiệu quả nói trên được bàn trong một số nghiên cứu mô hình hoá đại dịch gần đây [Nishiura, Chang]. Trong bài phân tích ngắn này, chúng tôi sẽ dựa trên những số liệu về mobility (dữ liệu về di chuyển của toàn dân cư) trên toàn nước Nhật và ở các tỉnh do Google cung cấp [Google Mobility] để đưa ra một số nhận định và phân tích về tình hình giãn cách xã hội trong khoảng thời gian từ 15/2/2020 – 17/04/2020. Thông qua phân tích số liệu, chúng tôi nhận định mặc dù lưu lượng di chuyển dân cư ở các địa điểm như nhà ga tàu, trung tâm thương mại bán lẻ, và giải trí giảm mạnh gần 60%, lưu lượng di chuyển dân cư ở các địa điểm bán đồ nhu yếu phẩm và công viên giảm rất ít, có nơi không những không giảm mà còn tăng lên. Đặc biệt, dữ liệu về tỉ lệ dân cư ở trong nhà có tăng nhưng không có biến chuyển đáng kể. Điều này, cùng với tỉ lệ ca mắc mới mỗi ngày, lý giải một phần lý do cho quyết định xem xét kéo dài tình trạng khẩn cấp đến đầu tháng 6 của chính phủ Nhật.

Giới thiệu

Tỉ lệ giãn cách xã hội được đưa ra trong nhiều mô hình phân tích lây lan của đại dịch COVID-19 [Nishiura, Chang]. Theo đó, với chỉ số lây lan của virus Corona chủng mới hiện nay, nếu giãn cách xã hội được 80% dân số trong thời gian 2 tuần thì sẽ kìm hãm và đưa dịch về trạng thái kiểm soát được. Tuy nhiên, làm thế nào để đánh giá trên diện rộng xem tỉ lệ bao nhiêu phần trăm dân số đã thực hiện giãn cách xã hội là một câu hỏi hóc búa khó có câu trả lời chắc chắn. Việc thu thập dữ liệu di chuyển của người dân là một đề tài hết sức nhạy cảm, đặc biệt trong bối cảnh xã hội Nhật cực kì đề cao quyền bảo mật và tính riêng tư. Số liệu thống kê của chính phủ đưa ra [CAO] chủ yếu dựa vào dữ liệu báo cáo từ các công ty đường sắt. Tuy nhiên, do chỉ tập trung ở các nhà ga tàu, số liệu này khó có thể phản ánh hoàn toàn chính xác tỉ lệ giãn cách xã hội.

Google, tận dụng chức năng lưu lược sử định vị GPS của người dùng, đang cung cấp bộ dữ liệu đi lại của cư dân trên hầu hết các quốc gia với mức độ chi tiết khác nhau. Mặc dù cũng không thể bao quát hết được lưu lượng di chuyển của toàn bộ dân số, bộ dữ liệu này vẫn giúp bổ sung thêm một góc nhìn sâu rộng hơn về tình hình giãn cách xã hội ở các nước trên thế giới, trong đó có Nhật Bản. Bản báo cáo của chúng tôi sẽ đi vào phân tích dựa trên bộ số liệu này.

Dữ liệu đã sử dụng

Tên bộ dữ liệu

Công ty Google đã công bố dữ liệu báo cáo dịch chuyển trên toàn thế giới (ngoại trừ Trung Quốc) với tên gọi Google COVID-19 Community Mobility Reports. Dữ liệu này cho thấy phần trăm sự thay đổi về số lượng người đến và thời lượng người đó ở lại những các địa điểm so với mức cơ bản ở các địa điểm, chia thành 6 nhóm: siêu thị – hiệu thuốc, công viên, nhà ga, bán lẻ – giải trí, nhà ở, nơi làm việc. Bộ dữ liệu này dựa trên những dữ liệu của người dùng có áp dụng chế độ lịch sử di chuyển (Location History) đối với tài khoản google của họ. Vì vậy bộ dữ liệu là thông tin của một nhóm người dùng. Bộ dữ liệu này có thể hoặc không thể phản ánh chính xác hành vi của mẫu số lớn hơn.

Các định nghĩa về thông tin trong bộ dữ liệu

Mức cơ bản: là giá trị trung vị (median) cho từng Thứ tương ứng trong tuần. Thời gian tính mức cơ bản này là thời gian 5 tuần từ ngày 03/01/2020 – 06/02/2020. (VD: có 5 Thứ Hai, giá trị trung vị của 5 Thứ Hai này sẽ được lấy làm Mức cơ bản cho các thống kê vào ngày Thứ Hai sau đó)

Siêu thị và hiệu thuốc: Xu hướng dịch chuyển của những địa điểm như siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ, hiệu thuốc

Công viên: Xu hướng dịch chuyển của những địa điểm không gian mở như công viên, bãi biển, hoặc bến cảng

Nhà ga: Xu hướng di chuyển tới những địa điểm thuộc giao thông công cộng như ga tàu điện hoặc bến xe buýt

Bán lẻ và giải trí: Xu hướng di chuyển tới những không gian kín như nhà hàng, quán cà phê, trung tâm mua sắm, bảo tàng, thư viện, và rạp chiếu phim

Nhà ở: Xu hướng ở nhà

Nơi làm việc: Xu hướng di chuyển tới các địa điểm làm việc

Phương pháp phân tích

Bộ dữ liệu do Google cung cấp đã được chuẩn hoá và loại bỏ những mẫu không có giá trị thống kê. Do đó, việc phân tích bộ dữ liệu được thực hiện đơn giản bằng cách biểu đồ hoá dữ liệu theo từng tỉnh được thống kê. Dữ liệu và biểu đồ được xử lý với Tableau và R. Do mục tiêu của báo cáo nhắm tới đưa ra một cái nhìn định tính khái quát về mức độ giãn cách xã hội ở Nhật trong thời gian qua, các phân tích trong báo cáo này, thay vì đi sâu vào phân tích định lượng, sẽ tập trung vào kết quả định tính của lưu lượng di chuyển tới các nhóm địa điểm được thống kê (Mục 2).

Kết quả phân tích

Thay đổi lưu lượng di chuyển của dân cư các tỉnh ở Nhật
Hình 1: Thay đổi lưu lượng di chuyển của dân cư các tỉnh ở Nhật
Hình 2: Thay đổi trong lưu lượng di chuyển của dân cư toàn nước Nhật
Hình 2: Thay đổi trong lưu lượng di chuyển của dân cư toàn nước Nhật

 

Kết quả phân tích theo từng tỉnh được biểu diễn ở Hình 1 và Hình 2, trong đó, màu xanh lá chỉ sự giảm lưu lượng và màu đỏ chỉ sự gia tăng lưu lượng di chuyển tới các lớp địa điểm như nêu ở mục 2. 

Nhà ga, Bán lẻ – giải trí, Nơi làm việc:

Có thể dễ dàng nhận thấy bắt đầu từ đầu tháng 3/2020, lưu lượng di chuyển và tập trung ở các địa điểm giao thông công cộng có dấu hiệu giảm. Đặc biệt, sau khi chính phủ công bố tình trạng khẩn cấp ở 7 tỉnh (ngày 07/04/2020), sau đó là toàn quốc (ngày 16/04/2020), lưu lượng di chuyển ở các địa điểm giao thông công cộng giảm mạnh (Tokyo là -65% và Osaka là -63%). Cùng chung một xu hướng giảm mạnh đó là các hoạt động ở lớp địa điểm bán lẻ – giải trí (-45% toàn quốc) và nơi làm việc (-27% toàn quốc). Điều này cho thấy chính sách làm việc tại nhà có thể đã có tác dụng tích cực tới hiệu quả giãn cách xã hội. 

Siêu thị – hiệu thuốc, Công viên:

Dữ liệu về lưu lượng tới siêu thị – hiệu thuốc (-9% toàn quốc) và công viên (-12% toàn quốc) cho thấy không có sự thay đổi lớn nào về lượng người tới và tập trung ở các địa điểm bán nhu yếu phẩm và các không gian mở. Đặc biệt, Hình 2 cho thấy một số ngày, lưu lượng người tập trung ở các không gian mở như công viên tăng vọt. Giả thiết chúng tôi đặt ra đó là những ngày đó là ngày hoa anh đào nở rộ (満開) và cư dân ở các vùng lần lượt tới công viên để ngắm hoa. Điều này phù hợp với xu hướng màu đỏ đi từ miền Nam lên miền Bắc trong khoảng thời gian từ cuối tháng 2 tới đầu tháng 4. Ngoài ra, việc lưu lượng người tới hai lớp địa điểm siêu thị – hiệu thuốc và công viên không giảm có thể lý giải là do nhu cầu về vật chất và tinh thần vẫn cần được đáp ứng trong thời gian tình trạng khẩn cấp hoặc cũng có thể do thói quen lâu đời của người Nhật.

Nhà ở:

Dữ liệu về mức độ tập trung ở nhà của toàn Nhật cũng như các tỉnh khá đồng nhất ở điểm đều tăng nhẹ (+12% toàn quốc). Phải đến khi chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp thì lưu lượng cư dân ở nhà mới tăng lên rõ rệt. Màu đỏ đậm xuất hiện rõ nét hơn trong những ngày đầu và giữa tháng 4. Điều này cho thấy mặc dù thực hiện chính sách làm việc tại nhà hiệu quả khiến lượng người tới Nơi làm việc giảm mạnh, nhưng lượng người ở nhà lại không tăng mạnh một cách tương xứng.

Thảo luận

Định nghĩa về tỉ lệ giãn cách xã hội 80% chỉ ra cần phải có 80% dân số thực hiện cách ly và hạn chế tiếp xúc người – người. Chiểu theo định nghĩa này thì các phân tích dựa trên dữ liệu xu hướng dịch chuyển do Google cung cấp chỉ ra giãn cách xã hội trong khoảng thời gian 15/02/2020 – 17/04/2020 là chưa đạt chỉ tiêu 80%. Lưu lượng người dường như không còn tập trung ở những địa điểm giao thông công cộng, nơi làm việc, bán lẻ – giải trí nữa, song các hoạt động di chuyển lại không tập trung tại  nhà ở (nơi đáng lẽ cần phải tập trung để cách ly) mà  chuyển dịch tới các địa điểm Siêu thị – hiệu thuốc và Công viên. Tuy nhiên, không thể phủ nhận tác dụng của giãn cách xã hội. Dường như chính việc ban bố tình trạng khẩn cấp đã giúp làm giảm tốc độ lây lan của dịch, giúp cho hệ thống y tế có thêm thời gian để ứng phó với dịch. 

Đề xuất cá nhân của nhóm tác giả đó là ngoài giãn cách xã hội, các biện pháp lần vết tiếp xúc (contact tracing) cũng cần được triển khai để giúp ngăn chặn dịch tốt hơn. Những lo ngại về vi phạm quyền riêng tư và bảo mật sẽ được giải quyết thế nào? Xin đón đọc bài viết tiếp theo có chủ đề: Nguyên lý thiết kế cơ bản ứng dụng lần vết tiếp xúc đảm bảo quyền riêng tư và bảo mật.

Tái bút: Do đặc thù khác nhau, so sánh giãn cách xã hội giữa Việt Nam và Nhật Bản quả là khập khiễng. Tuy nhiên, do muốn đem lại cái nhìn định tính khái quát về hiệu quả giãn cách xã hội, chúng tôi sẽ đặt biểu đồ so sánh xu hướng dịch chuyển cư dân hai nước ở đây và không bình luận gì. (Xanh là giảm, Đỏ là tăng)

Giãn cách xã hội ở Việt Nam và ở Nhật Bản
Giãn cách xã hội ở Việt Nam và ở Nhật Bản

Tham khảo:

Google LLC “Google COVID-19 Community Mobility Reports.”

https://www.google.com/covid19/mobility/ Accessed: 2020/4/30. https://www.google.com/covid19/mobility/data_documentation.html?hl=en

Mô hình đại dịch – Nishiura

https://www.jst.go.jp/ristex/stipolicy/policy-door/article-02.html

Mô hình đại dịch Australia – Sheryl L. Chang

https://arxiv.org/pdf/2003.10218.pdf 

Văn phòng phủ nội các

https://corona.go.jp/dashboard/

Bài viết là ý kiến cá nhân của người viết, không liên quan đến tổ chức mà người viết trực thuộc.