VANJ-SPEC 2022 là chuỗi Webinar được thực hiện bởi VANJ, với mục tiêu kết nối và lan tỏa tri thức trong cộng đồng học thuật người Việt đã, đang và sẽ sinh sống ở Nhật Bản. Đồng thời, chương trình mong muốn tạo ra cơ hội trao đổi cho các nhà khoa học trong cùng lĩnh vực, giới thiệu các kiến thức nghiên cứu chuyên sâu, nhằm thúc đẩy tinh thần học hỏi và khả năng nghiên cứu đến các nhà khoa học trẻ. Các diễn giả khách mời của VANJ-SPEC đều là những nhà nghiên cứu lâu năm trong các lĩnh vực chuyên môn. Họ hiện đang công tác tại các trường đại học, các Viện nghiên cứu với tư cách GS, PGS, Giáo sư trợ lý… không chỉ ở Nhật Bản và Việt Nam mà còn nhiều quốc gia khác.

Số đầu tiên của VANJ-SPEC với chuyên đề Khoa học Vật liệu mang tên “Nhìn từ góc độ đơn vị của Vật chất tời tính chất của tương lai”. Khách mời trong số này bao gồm: TS. Nguyễn Thanh Sơn hiện đang là Phó giáo sư cơ sở tại Học viện Công nghệ Quốc gia – Cao đẳng Kushiro,  Hokkaido, Nhật Bản; và TS. Nguyễn Tuấn Hưng hiện đang là Giáo sư trợ lý tại Viện nghiên cứu Khoa học liên ngành, Đại học Tohoku, Nhật Bản.

Webinar đã được tổ chức từ 21:00-23:00 ngày 01/10/2022 vừa qua.  Buổi chia sẻ với sự tham gia của 74 người (bao gồm 51 người tham dự qua Zoom và 23 người xem trên livestream qua Facebook). 

Trong các phần chia sẻ của các khách TS. Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ về cơ chế của vật liệu tự lành (self-healing material) và những kết quả trong nghiên cứu chế tạo vật liệu ceramic tự lành vĩnh viễn; TS. Nguyễn Tuấn Hưng chia sẻ về vật liệu lượng tử và những ứng dụng của nó trong chuyển đổi và lưu trữ năng lượng.

 

Tóm tắt về bài chia sẻ của anh Sơn:

  • Mục tiêu: Chế tạo vật liệu composite có đặc tính tự lành vĩnh viễn. 
  • Kết quả: Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra thành công đặc tính tự lành có thể lặp đi lặp lại qua nhiều chu kỳ vật liệu bị thương tổn. 
  • Hướng phát triển tương lai: Sự phát triển của dòng vật liệu này rất hứa hẹn, không những có thể ứng dụng làm vật liệu cho động cơ máy bay, mà còn cho rất nhiều thiết bị, máy móc phải hoạt động trong môi trường khắc nghiệt dễ bị hư hỏng, nhờ vậy có thể kéo dài tuổi thọ thiết bị và tiết kiệm chi phí sửa chữa bảo trì.

Anh Sơn đã chia sẻ về cơ chế tự lành của vật liệu, các loại vật liệu có khả năng tự lành, trong đó phổ biến nhất hiện nay là vật liệu tự lành polymer, đã được nghiên cứu bởi các nhà khoa học Việt Nam như PGS.TS. Huỳnh Tấn Phát tại đại học Åbo Akademi, Phần Lan và PGS.TS. Nguyễn Thị Lệ Thu tại đại học Quốc gia TP. HCM. Tiếp đến anh chia sẻ thêm về những nghiên cứu liên quan đến bài viết của anh trên Tuyển tập Khoa Học Công Nghệ Nhật Bản do VANJ xuất bản năm 2021 với những ứng dụng tiềm năng của vật liệu phủ ngoài cho tua bin của máy bay sử dụng SiC và YbSi2O5 và cơ chế hoạt động của chúng. 

 

 

Tóm tắt về bài chia sẻ của anh Hưng:

  • Mục tiêu: Nghiên cứu và phát triển vật liệu chuyển đổi năng lượng hiệu suất cao thông qua tính toán lý thuyết và mô phỏng. 
  • Kết quả: Nhóm đã phát hiện ra các lớp vật liệu lượng tử như vật liệu thấp chiều, vật liệu bán kim loại có thể đáp ứng mục tiêu trên. 
  • Hướng phát triển tương lai: Nhóm sẽ áp dụng tính toán thông lượng cao và học máy để khai thác tiềm năng của các vật liệu lượng tử cho ứng dụng năng lượng.

Anh Hưng đã chia sẻ về đề tài của nhóm nghiên cứu của mình là tập trung vào lý thuyết tính toán lượng tử, sử dụng siêu máy tính và cụm workstation để thực hiện sàng lọc, tìm kiếm vật liệu mới cho các ứng dụng năng lượng ở mức cơ bản nhất. Anh cũng chia sẻ các phần mềm (VD: phần mềm Quantum ESPRESSO free và dễ cài đặt) và mở các workshop về chủ đề học máy trong nghiên cứu. Nhóm anh còn viết sách về hướng dẫn cách sử dụng phần mềm trong tính toán lý thuyết hàm mật độ (Density functional theory), lý thuyết có tác động lớn trong rất nhiều lĩnh vực. Anh chia sẻ thêm các ứng dụng của vật liệu lượng tử với năng lượng, đặc biệt trong nhiệt điện.

Nếu các bạn quan tâm và muốn xem lại Webinar này trên youtube của VANJ xin mời bấm vào đường link sau: 

https://vanj.jp/links/spec1material

Nếu các bạn muốn liên hệ trực tiếp với các diễn giả, xin vui lòng gửi email trực tiếp tại địa chỉ:

PGS.TS. Nguyễn Thanh Sơn, Học viện Công nghệ Quốc gia – Cao đẳng Kushiro,  Hokkaido, Nhật Bản.

Email:son[a]kushiro-ct.ac.jp *

Nguyễn Tuấn Hưng, Viện nghiên cứu Khoa học liên ngành, Đại học Tohoku, Nhật Bản.

Email:nguyen[a]flex.phys.tohoku.ac.jp* 

Minh Chữ, Nghiên cứu viên sau Tiến sĩ tại Viện Khoa học và Công nghệ Công nghiệp Tiên tiến Quốc gia (AIST), Nhật Bản.

Email:  minhchu25[a]gmail.com*

(* thay [a] bằng @) 

 

TỔNG HỢP: TS.Trần Phương Thảo, Ban Seminar-VANJ