VANJ-SPEC 2022 là chuỗi Webinar được thực hiện bởi VANJ, với mục tiêu kết nối và lan tỏa tri thức trong cộng đồng học thuật người Việt đã, đang và sẽ sinh sống ở Nhật Bản. Đồng thời, chương trình mong muốn tạo ra cơ hội trao đổi cho các nhà khoa học trong cùng lĩnh vực, giới thiệu các kiến thức nghiên cứu chuyên sâu, nhằm thúc đẩy tinh thần học hỏi và khả năng nghiên cứu đến các nhà khoa học trẻ. Các diễn giả khách mời của VANJ-SPEC đều là những nhà nghiên cứu lâu năm trong các lĩnh vực chuyên môn. Họ hiện đang công tác tại các trường đại học, các Viện nghiên cứu với tư cách GS, PGS, Giáo sư trợ lý, Giảng viên, nhà nghiên cứu… không chỉ ở Nhật Bản và Việt Nam mà còn nhiều quốc gia khác. 

 

Số thứ hai của VANJ-SPEC với chuyên đề Khoa học Tài nguyên nước mang tên “Thách thức, rủi ro và giải pháp quản lý tài nguyên nước bền vững Sông Mê Công”. Khách mời trong số này bao gồm: TS. Đỗ Xuân Hồng – Giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên, Trường Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam; TS. Nguyễn Tân Thái Hưng –  Nghiên cứu viên sau tiến sĩ, Đài Quan Trắc Địa Cầu Lamont-Doherty (Lamont-Doherty Earth Observatory), Đại Học Columbia, Hoa Kỳ; TS. Phạm Thành Hưng – Giảng viên Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng; TS. Lê Mạnh Hùng – Nghiên cứu viên, Phòng thí nghiệm thủy văn, trung tâm NASA Goddard Space Flight Center, Hoa Kỳ.

 

Webinar đã được tổ chức từ 11:00-14:30 ngày 30/10/2022 vừa qua. Buổi chia sẻ nhận được sự quan tâm của gần 70 người tham dự.

 

Seminar bắt đầu với phần giới thiệu của MC Nguyễn Diệu Linh về vai trò và tầm quan trọng của Sông Mê Công, những thách thức rủi ro ở khu vực này. 

 

Trong bài trình bày đầu tiên với tiêu đề “Hợp tác nghiên cứu đa ngành để giải quyết các vấn đề tài nguyên nước của Việt Nam trong Kỷ Nhân Sinh (Anthropocene): Thuận lợi và thách thức”, TS Đỗ Xuân Hồng chia sẻ về thách thức của biến đổi khí hậu, thời tiết khí hậu cực đoan và sự phức tạp trong việc xác định các nguyên nhân dẫn đến sự biến động của chu trình thuỷ văn. Anh Hồng cũng nhấn mạnh một khó khăn nữa là sự hạn chế về số liệu. Do đó, việc mở rộng hợp tác giữa các nhà khoa học và xây dựng các mạng lưới là một hướng đi cần thiết. Anh Hồng giới thiệu về Mạng lưới các nhà thuỷ văn trẻ của Việt Nam (Young Vietnamese Hydrologists Network) được khởi động từ năm 2020. Bắt đầu chỉ với 3-4 thành viên, hiện nay nhóm đã có gần 20 thành viên từ các tổ chức với các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau. Mục tiêu của mạng lưới là xây dựng những mối quan hệ hợp tác nghiên cứu lâu dài, đặt nền tảng cho sự hình thành một cộng đồng nghiên cứu của người Việt có năng lực mạnh, mối quan hệ quốc tế, đủ khả năng giải quyết các bài toán đa chiều về tài nguyên nước của Việt Nam trong bối cảnh diễn biến phức tạp của Kỷ Nhân sinh. 

 

Tiếp đó trong bài trình bày với tiêu đề “Vòng thân cây, tài nguyên nước và sông Mê Công”, TS Nguyễn Tân Thái Hưng giới thiệu một hướng nghiên cứu mới đầy thú vị và tiềm năng, đó là ngành thụ niên học (Dendrochronology) hay nghiên cứu về vòng thân cây. Anh Hưng chia sẻ rằng mỗi vòng năm của thân cây là một câu chuyện, cho dù là hạn hán hay lũ lụt, thời tiết lạnh hay nóng đều được ghi lại trên vân cây. Nếu ta biết khai thác, dữ liệu vòng thân cây có thể giúp ta hé mở cánh cửa nhìn về quá khứ của hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm. Để minh hoạ cho điều này, anh Hưng trình bày một số kết quả nghiên cứu ứng dụng của ngành thụ niên học ví dụ như cho chúng ta quay trở lại thời gian, du hành về quá khứ 1000 năm trước để biết về nguyên nhân đế chế Khơ Mê, đế chế từng cai trị lưu vực sông Mê Công bị bỏ hoang. Anh Hưng chia sẻ việc nghiên cứu vòng thân cây tiết lộ rằng trong quá khứ đã có những trận đại hạn hán ở khu vực này. Anh Hưng cũng chia sẻ một nghiên cứu anh tham gia cùng nhóm nghiên cứu về lưới điện quốc tế Lào – Thái trong đó nguồn điện được lấy từ các nhà máy thuỷ điện và nhiệt điện. Các nhà máy điện này đều sử dụng đến nguồn nước từ Sông Mê Công. Nhóm nghiên cứu của anh đã khám phá ra rằng với điều kiện thời tiết cực đoan trong tương lai đặc biệt là dưới ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, chi phí sản xuất điện ở khu vực này có thể tăng lên 120 triệu USD và lượng khí thải Co2 tăng lên 2.5 triệu tấn. Do đó nghiên cứu này của nhóm giúp cho các nhà hoạch định chính sách có các thông tin quan trọng để xây dựng các chiến lược quản lý tài nguyên nước và nhà máy điện một cách bền vững hơn.

 

Tiếp nối phần trình bày của TS Nguyễn Tân Thái Hưng, TS Phạm Thành Hưng có bài chia sẻ về sử dụng nhiều nguồn dữ liệu viễn thám trong ước tính mực nước sông Mê Công. Anh Hưng Phạm chia sẻ rằng vấn đề mô phỏng và dự báo lũ ở hạ du các lưu vực sông đa quốc gia, ví dụ sông Mê Công, thường gặp vấn đề khó khăn do bị hạn chế trong việc chia sẻ nguồn dữ liệu từ các trạm khí tượng và thuỷ văn của các quốc gia, hoặc sự phân bố các trạm đo khá thưa thớt, hay các dữ liệu tại các trạm đo thường không được cập nhật theo thời gian thực. Anh Hưng Phạm trình bày một nghiên cứu của mình trong đó anh cải thiện đánh giá đo mực nước sông ở những lưu vực không có thông tin từ các trạm đo mực nước với việc sử dụng dữ liệu vệ tinh. Anh Hưng tìm ra cách để rút ngắn thời gian cung cấp thông tin mực nước sông Mê Công do vệ tinh từ 10 ngày sang hàng ngày. Anh đã dùng dữ liệu vệ tinh từ vệ tinh MODIS cung cấp dữ liệu nhiệt độ đo bề mặt trái đất (ban ngày và ban đêm) kết hợp với dữ liệu độ ẩm đất SMOS và dữ liệu mưa GSMAP để cải thiện việc dự đoán mực nước sông trong mùa hạn và mùa lũ. Kết quả có được từ việc sử dụng dữ liệu từ nhiều nguồn vệ tinh đã giúp cho việc đo mực nước có được độ chính xác tốt hơn nhiều so với việc chỉ sử dụng dữ liệu từ một nguồn vệ tinh. Anh Hưng Phạm đề xuất rằng các nhà khoa học sử dụng viễn thám phải hiểu hết được các sai số đó có thể ảnh hưởng đến những kết quả đầu ra mô hình của mình như thế nào để có những hiệu chỉnh, đánh giá kết quả một cách khách quan.

Kết thúc hội thảo là bài trình bày của TS Lê Mạnh Hùng về công cụ tùy chỉnh tích hợp mô hình và thu thập dữ liệu cho Sông Mekong dựa trên vệ tinh của NASA. TS Hùng giới thiệu về nhiệm vụ nghiên cứu trái đất và phòng thí nghiệm thuỷ văn của NASA tập trung về viễn thám và tổng hợp dữ liệu thuỷ văn từ 18 vệ tinh quan sát trái đất trong đó có vệ tinh quan trắc mưa, độ ẩm đất và quan trắc tổng lượng nước. Anh Hùng chia sẻ về Chương trình khoa học ứng dụng của NASA ở vùng hạ lưu Sông Mê Công cho phép sử dụng dữ liệu quan trắc Trái đất của NASA miễn phí trong việc hỗ trợ các quyết định quản lý, kinh doanh và chính sách liên quan đến tài nguyên nước. Anh Hùng cũng chia sẻ rằng từ năm 2023 NASA bắt đầu dự án TOPS (Transform to Open Sciences) để số liệu của NASA ngày càng được tiếp cận với cộng đồng đại chúng qua các công cụ mà mọi người sử dụng cũng có thể đóng góp vào quá trình phát triển để nâng cao khả năng ứng dụng của các công cụ của NASA vào thực tế.

Cuối buổi hội thảo, các diễn giả đã có phần trao đổi sôi nổi, bổ ích với người tham dự.

DIỄN GIẢ

Nếu các bạn muốn liên hệ trực tiếp với các diễn giả, xin vui lòng gửi email trực tiếp tại địa chỉ

 

 

 TS. Đỗ Xuân Hồng, Khoa Môi trường và Tài nguyên,

Trường Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam

Email: doxuanhong[a]hcmuaf.edu.vn*

TS. Phạm Thành Hưng, Giảng viên Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng.

Email: pthung[a]dut.udn.vn*

TS. Nguyễn Tân Thái Hưng, Nghiên cứu sau Tiến sĩ, Đài Quan Trắc Địa Cầu Lamont- Doherty (Lamont-Doherty Earth Observatory)

Đại Học Columbia, Hoa Kỳ.

Email: hnguyen[a]ldeo.columbia.edu*

TS Lê Mạnh Hùng, Nghiên cứu viên, Phòng thí nghiệm thủy văn, trung tâm NASA Goddard Space Flight Center, Hoa Kỳ

 

Email: manh-hung.le[a]nasa.gov*

MC. Nguyễn Diệu Linh, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Nagasaki, Nhật Bản, email:  dieulinh1186[a]gmail.com*

 

 Tổng hợp: ThS. Nguyễn Diệu Linh, Ban Seminar-VANJ; Gia Linh – Ban Xuất bản VANJ