VANJ-NET 2022 là chuỗi Webinar được thực hiện bởi VANJ, với mục tiêu kết nối và lan tỏa tri thức trong cộng đồng học thuật người Việt đã, đang và sẽ sinh sống ở Nhật Bản.
Tiếp nối câu chuyện về cái “duyên” tới Nhật Bản ở kì trước, VANJ-NET số thứ hai với chủ đề “Kỹ năng mềm trong nghiên cứu khoa học” đã được phối hợp tổ chức vào ngày khai xuân (28.1.2023) với sự đồng hành của 3 khách mời – những người hoạt động tích cực trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học tại Nhật Bản và sự tham gia tương tác của gần 90 khán thính giả.
Ở buổi chia sẻ này, MC Quỳnh Anh cùng 3 khách mời (TS. Nguyễn Thành Vinh, TS. Trần Thị Ngọc Phương và NCS. TS. Lê Đăng Khoa) đã cùng thảo luận về những trải nghiệm và kỹ năng mềm cần thiết trong quá trình học tập và làm việc trên con đường nghiên cứu khoa học, để trả lời cho câu hỏi xuyên suốt chương trình: “Làm thế nào để hạnh phúc hơn khi làm nghiên cứu?”.
Đầu tiên và có lẽ quan trọng nhất, đó chính là kỹ năng giao tiếp (communication). Mỗi quốc gia có một bề dày lịch sử và đặc điểm văn hoá riêng. Gần 20 năm học tập và công tác ở Nhật, TS. Nguyễn Thành Vinh chia sẻ, chính nhờ thái độ chủ động làm quen, hoà đồng và giúp đỡ các bạn bè ở trong mọi hoạt động, sự kiện của phòng thí nghiệm, xây dựng mối quan hệ với giáo sư thông qua nội dung ý tưởng nghiên cứu rõ ràng, đã giúp anh gắn bó bền chặt và gặt hái nhiều thành tựu từ các công trình nghiên cứu. Môi trường làm việc trong phòng thí nghiệm hay trong một lớp học luôn được ví von như một xã hội thu nhỏ. TS. Trần Thị Ngọc Phương, với bề dày kinh nghiệm giảng dạy ngôn ngữ Anh ở Việt Nam và Nhật Bản, đã có những chia sẻ hóm hỉnh xoay quanh sinh viên, từ việc khéo léo quan sát “accent” của tụi học trò dựa trên các nét văn hoá, lễ nghĩa và tông giọng đặc trưng để đạt hiệu quả trong việc truyền đạt kiến thức. Bên cạnh đó, chị nhấn mạnh việc kết nối, “chào hàng” và giữ liên lạc với các nhà xuất bản trong chính các hội thảo khoa học mình tham gia. Anh Lê Đăng Khoa, nghiên cứu sinh ngành xã hội học, cũng gợi nhắc – “Sẵn sàng danh thiếp để chào hỏi các thầy cô, các đồng nghiệp và duy trì network bằng email ngắn gọn sau mỗi hội thảo, đây là điểm cộng khi tham gia các hội nhóm chuyên ngành hẹp và mạng lưới trí thức tại nước sở tại”.
Kỹ năng làm việc nhóm (teamwork) trở nên tối quan trọng trong thế giới phẳng hiện nay. “Nhập gia tuỳ tục” trở thành luật bất thành văn khi bạn có ý định đi du học hoặc làm việc trong một môi trường đa quốc gia. Vì vậy, hiểu biết về văn hoá và ngôn ngữ là quan trọng như nhau. Va chạm giữa các miền văn hoá đòi hỏi bạn cần thông thạo ít nhất một ngoại ngữ, và có thời gian tìm hiểu để kết nối các thành viên trong cùng một nhóm. Khách mời cũng chia sẻ: Người Nhật nói tiếng Anh theo lối suy nghĩ ở Nhật, họ quan trọng việc đọc suy nghĩ ý tứ của người xung quanh, tránh nói trực tiếp và khá hình thức. Trong quá trình làm việc nhóm, không có tính công bằng hoàn toàn, nên giữ hoà khí, làm tốt việc của mình, cống hiến và nhìn về kết quả của cả một tập thể, thương lượng ra quy tắc làm việc chung và phấn đấu nhận được sự tín nhiệm trong lab hay văn phòng.
Buổi talkshow trở nên sôi nổi hơn cả, khi các khách mời cùng bóc tách từng vấn đề trong kỹ năng quản lý (management). Về quản lý thời gian, Anh Vinh chia sẻ thẳng thắn: “Khi chọn con đường nghiên cứu, mình nên đặt ra những cột mốc nhất định để phấn đấu, nhớ là nên chia nhỏ theo thời gian…Mỗi giai đoạn được phép mắc sai lầm ở một mức độ nào đó”. Bên cạnh đó, việc tham gia các hội sinh viên lưu trú ở nước ngoài, môi trường giao lưu học thuật lành mạnh như VANJ là cơ sở để anh cân bằng giữa cuộc sống và nghiên cứu, nhiều ý tưởng mới cũng được sinh ra từ các buổi ăn trưa ở sân trường Todai cùng các anh chị em ở những lĩnh vực nghiên cứu khác nhau. Là khách mời nam trẻ tuổi nhất, anh Khoa cũng chia sẻ những trải nghiệm của bản thân về các môn thể thao mới, các hoạt động tình nguyện hỗ trợ cộng đồng người nước ngoài muốn hoà nhập vào xã hội Nhật khi định vị bản thân theo hướng gắn bó với Nhật Bản lâu dài. Các hoạt động này không chỉ hỗ trợ anh trong lĩnh vực nghiên cứu của bản thân mà còn giúp anh nhận ra các điểm mạnh và điểm yếu về ngôn ngữ và văn hoá của mình, từ đó điều phối một cách hiệu quả để tự tin xác lập vị trí trong xã hội Nhật Bản. Bên trong kỹ năng quản lý, kỹ năng cân bằng cảm xúc và tìm kiếm người hỗ trợ đồng hành (người thân, hoặc các đơn vị hỗ trợ Sinh viên quốc tế ở trường học…) đã được chị Phương khai thác rất kỹ. Chị chia sẻ, “burnout”, nếu nhìn theo một góc độ tích cực, thì là cách cơ thể ra dấu hiệu: “quá tải quá, dừng dừng”, cần có thời gian cho bản thân, đi dạo hoà mình với thiên nhiên cũng là một cách hữu ích. Để khi vượt qua giai đoạn khó khăn đó, mình khám phá thêm những giá trị cốt lõi của bản thân, cảm thấy biết ơn chính mình và những người đồng hành.
Bên cạnh sự vững vàng trong kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm cơ bản là một trợ thủ đắc lực cho mỗi người trong hành trình tìm tòi, phát huy thế mạnh chuyên môn và tăng cường các cơ hội hợp tác phát triển trong nghiên cứu khoa học. Các kỹ năng này được rèn luyện trong từng buổi seminar ở trường lớp, các hội thảo khoa học và đặc biệt trong môi trường làm việc ở các viện nghiên cứu,….
Thông điệp nhắn gửi từ khách mời:
- Khoảng cách lớn nhất là từ lời nói tới hành động. Hãy trải nghiệm thật nhiều khi còn trẻ để khám phá bản thân, để hiểu mình hơn mỗi ngày, vượt qua sự ì của bản thân đi!
- Trong hành trình khám phá bản thân và theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học, bạn hãy tìm thấy cho mình người bạn đồng hành, để chia sẻ và luôn được tiếp động lực tức thời. Nỗ lực của bản thân cộng với sự trợ giúp từ những người yêu thương xung quanh, sẽ tạo nên 1 cú hích lớn trong tư duy và sáng tạo để theo đuổi đam mê. Hãy tham gia ít nhất một hội nhóm cùng lĩnh vực nghiên cứu hẹp hoặc đa ngành như VANJ nhé!
Người tổng hợp: Thạc sĩ Phạm Hồng Quỳnh Anh (Ban Seminar – VANJ)
Bạn phải đăng nhập để bình luận.