Người viết: ThS.BSNT.Vũ Thị Mỹ Hạnh, TS. Trần Huỳnh Ngọc
Hiệu đính: ThS. Đỗ Đăng An
Sau đây là phần tổng kết các nội dung chính của Webinar Vai trò của khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo trong COVID-19, các bài trình bày tại Webinar được chia sẻ khi có yêu cầu. Các bạn có yêu cầu tài liệu xin gửi yêu cầu vào hòm thư press@vanj.jp và giới thiệu tên cùng nơi làm việc/học tập của bạn. Nếu bạn muốn xem lại nội dung Hội thảo xin vào Facebook của VANJ theo địa chỉ https://www.facebook.com/groups/vanj.jp/. Ban Tổ chức xin trân trọng cảm ơn.
Đại dịch Covid-19 đã và đang đặt ra những yêu cầu cấp bách về việc áp dụng khoa học công nghệ vào nhiều lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, sản xuất thiết bị y tế cũng như làm việc từ xa. Với mong muốn cung cấp những thông tin mới nhất và hướng tới việc đưa ra những các giải pháp cho vấn đề này, VANJ đã tổ chức hội thảo online (webinar) với chủ đề “Vai trò của khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo trong COVID-19” vào 15:00-17:30 (giờ Nhật Bản), thứ 7, ngày 30/5/2020.
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh số lượng ca nhiễm và tử vong trên toàn cầu do COVID-19 vẫn tiếp tục gia tăng, nhưng rất khác biệt giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã 43 ngày không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Nhật Bản đã dần gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở hầu hết các khu vực trên toàn quốc. Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 được báo cáo tại Mỹ vừa vượt quá 100,000, tình trạng tại Brazil, Ấn Độ xấu đi nhanh chóng.
Hội thảo có sự tham gia của 3 diễn giả gồm: Giáo sư Hồ Tú Bảo (Viện nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM) và Viện John von Neumann, Đại học quốc gia TP. HCM), Phó Giáo sư Trần Thế Truyền (Viện AI Ứng dụng, Đại học Deakin, Úc) và Ông Trần Ngọc Phúc (Chủ tịch Công ty Metran, Giám đốc điều hành công ty MAGOS, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản). Bên cạnh đó là sự tham gia của gần 200 người tham dự trực tuyến qua Zoom từ các quốc gia và châu lục khác nhau.
Trong bài phát biểu đầu tiên tại Webinar, ông Trần Ngọc Phúc chia sẻ về sự mạo hiểm khi chọn hướng đi mà các công ty sản xuất máy thở khác của Nhật không thể hay không muốn làm. Rất nhiều loại máy thở khác nhau đã được nghiên cứu, sản xuất trong suốt hơn 30 năm qua đã đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người bệnh. Các máy thở của ông đã được sử dụng tại các cơ sở chăm sóc chuyên sâu tại bệnh viện (critical care) và tại nhà (home care). Các bệnh nhân được điều trị tại các đơn vị chăm sóc tích cực (ICU) cũng như các bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) đều có thể sử dụng. Đặc biệt, các máy thở có thể hỗ trợ người bệnh ngưng thở khi ngủ và còn nhiều các máy thở khác ứng dụng trong thú y.
Trong đại dịch COVID-19 vừa qua, máy thở ComposX mà Metran đang sản xuất cho Việt Nam sử dụng khí nén tinh khiết thay vì không khí thông thường, máy tự động, tích hợp bộ cấp nhiệt và ẩm (HME) vào hệ thống hút kín. Việc thiết kế này bảo vệ an toàn cho nhân viên y tế, máy đồng thời xử lý luồng khí thải ra để bảo vệ môi trường. Các chức năng phức tạp tinh vi của hệ thống máy thở trong ICU thông thường đã được thay thế và tối giản hóa để ai, ở đâu cũng có thể dùng được. Điều này là cực kỳ quan trọng trong đại dịch lây qua đường hô hấp nếu số trường hợp nhập viện bị suy hô hấp tăng cao. rước đó, Chính phủ Nhật cũng đã tài trợ cho Metran tiếp tục tiến hành các nghiên cứu chế tạo máy thở cho Việt Nam (2017-2020).
Bài thuyết trình thứ hai của Giáo sư Hồ Tú Bảo đi sâu vào phân tích ý nghĩa, giá trị của chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI) sau COVID-19, trong sự phù hợp với TRẠNG THÁI BÌNH THƯỜNG MỚI “NEW NORMAL”. Đây là một thuật ngữ để chỉ trạng thái xã hội bình thường mà vẫn bảo đảm sự phát triển theo các điều kiện mới do tình hình đại dịch đặt ra. Giáo sư đã giới thiệu một cách tổng quát về các khái niệm, phạm trù, nội dung liên quan đến chuyển đổi số và AI, cùng với một số ví dụ thực tiễn tại Việt Nam và trên thế giới.
Trong trạng thái bình thường mới sau COVID-19, AI và chuyển đổi số sẽ đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội. Theo Giáo sư, COVID-19 là một cơ hội để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mà Việt Nam đã và đang tiến hành, điều quan trọng là cần có lộ trình từng bước, ưu tiên chọn lựa các mũi nhọn phát triển trong trạng thái bình thường mới. Giáo sư cũng chia sẻ những dự định của Việt Nam về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nông nghiệp để cân đối cung – cầu lương thực, xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia,… Giáo sư nhấn mạnh: Chuyển đổi số là nội dung chính của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, và AI là then chốt của chuyển đổi số.
Trong bài trình bày của mình, PGS. Trần Thế Truyền chia sẻ về vai trò AI với đại dịch COVID-19 nhằm trả lời câu hỏi AI có thể làm được gì với tư cách là một công nghệ phổ quát, AI có thể ứng dụng trong Y sinh như thế nào và ứng phó với đại dịch ra sao?
Theo PGS. Truyền, hiện nay dữ liệu y tế tăng gấp đôi sau mỗi 2-3 tháng, thị trường AI trong y tế tăng trưởng 41,9% hàng năm, dự kiến đạt 13 tỉ đô vào năm 2025 với hàng trăm startup về y khoa thành công. AI có thể hỗ trợ phần nào trong việc giải quyết các thách thức mà COVID-19 đặt ra như giúp tăng tốc phát kiến khoa học về virus, thuốc điều trị và vaccine, đảm bảo giãn cách xã hội, dự báo để lập kế hoạch, cảnh báo ổ dịch, cung cấp, sàng lọc thông tin, … Thực tế một nhóm nghiên cứu ở Trung Quốc đã ứng dụng AI trong chẩn đoán bệnh nhân COVID-19 thông qua đọc phim CT đạt độ chính xác của các chuyên gia chẩn đoán hình ảnh giàu kinh nghiệm.
Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân của diễn giả thì vai trò của AI vẫn còn hạn chế trong đại dịch COVID-19. Hiện tượng “Thiên nga đen” trong COVID-19 là một hình ảnh ẩn dù cho sự phá vỡ các quy tắc, thói quen, hành vi và niềm tin trước đó. Điều này khiến cho AI chưa thể cập nhật kịp để đáp ứng các nhu cầu tức thời. Tuy nhiên, sau đại dịch, AI trong y tế sẽ tăng tốc và phát triển, có thể khắc phục được những lỗ hổng và sự thiếu sót của số liệu.
Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi trong 45 phút với sự tham gia tích cực của khán giả từ nhiều nơi trên thế giới Pháp, Canada, Nhật Bản, Việt Nam, Úc,… công tác tại nhiều vị trí khác nhau như nhà nghiên cứu, bác sĩ, CEO công ty công nghệ, sinh viên đại học,… Các câu hỏi xoay quanh các công nghệ ứng dụng trong đại dịch COVID-19 và định hướng phát triển trong tương lai. Trong quá trình trao đổi thảo luận, chủ đề máy thở do ông Trần Ngọc Phúc trình bày nhận được nhiều câu hỏi liên quan về cơ chế hoạt động, sự khác biệt giữa các loại máy thở, khả năng phát triển trong tương lai, khả năng tích hợp các công nghệ tiên tiến như AI.
Phần giao lưu với GS Bảo và PGS Truyền đem đến những thông tin cập nhật nhất về AI, Deep learning trong các khía cạnh liên quan của đời sống. Các chủ đề về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về sức khỏe, xu hướng đào tạo AI ở cả chuyên ngành công nghệ thông tin và các chuyên ngành ứng dụng hẹp (như khoa học dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh, BIM trong xây dựng…), khả năng mã hóa cảm xúc hay tính bảo mật thông tin trong thời đại số được thảo luận sôi nổi và chi tiết. Các diễn giả cũng chia sẻ về hướng phát triển trong tương lai của công nghệ thở máy, về nhóm nghiên cứu về AI ứng dụng ở Úc (của PGS Truyền) hay các dự án về chuyển đổi số tại Việt Nam.
Bên cạnh việc cung cấp các thông tin, kiến thức rất cập nhật, sâu sắc và bổ ích, các diễn giả đã truyền tải đến khán giả niềm đam mê khoa học công nghệ và cái nhìn tích cực của mình vào sự phát triển và khả năng ứng dụng của khoa học công nghệ. Tuy nhiên do thời gian Webinar có hạn và số lượng người tham gia khá đông, các diễn giả vẫn chưa thể trả lời hết các câu hỏi mà khán giả quan tâm.
Buổi Webinar đã thành công tốt đẹp và thực sự mang đến cho các khán giả cái nhìn mới mẻ về xu hướng khoa học công nghệ và mối liên kết chặt chẽ với xã hội hiện tại và tương lai. Do được tổ chức online, hội thảo này đã giúp tăng cường sự kết nối, lan tỏa những kiến thức, quan điểm khoa học của những nhà nghiên cứu, những chuyên gia, những nhà khoa học, nhà sản xuất, kinh doanh của Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới với nội dung không chỉ những ứng dụng công nghệ và AI trong dịch COVID-19 mà xa hơn là sự phát triển của quốc gia sau đại dịch. Bên cạnh đó, hội thảo cũng gợi mở nhiều khao khát hiểu biết hơn nữa đối với những vấn đề được nêu ra, qua đó để trí thức có thể đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Đây cũng là mục tiêu mà VANJ muốn hướng tới thông qua Hội thảo này.
Giao lưu với khán giả
Ảnh các khách tham dự
Ảnh Ban tổ chức khách mời các khách tham dự