Ngày 9/9/2017, Mạng lưới nghiên cứu học thuật Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ) đã phối hợp cùng Hội sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA) tổ chức thành công Hội nghị giao lưu khoa học Việt Nam – Nhật bản VJSE2017 (tên tiếng Anh: “The 10th Vietnam – Japan Scientific Exchange Meeting) tại đại học Shibaura, Thành phố Tokyo, Nhật Bản. Đây là lần thứ 10 VJSE được tổ chức, tiếp nối các hội nghị đã diễn ra tại Osaka, Kobe, Kyoto, Tokyo, và Fukuoka. Chủ đề chính của hội nghị lần này là: “Connecting People: Shaping the Future” (Kết nối mọi người, định hướng tương lai), với mong muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối cộng đồng trong việc định hướng tương lai.

Tiếp nối những thành công từ các hội nghị trước, VJSE2017 năm nay đạt được sự trưởng thành lớn cả về số lượng và chất lượng. Hội nghị thu hút hơn 230 người tham gia, đến từ 5 nước trên thế giới bao gồm Nhật Bản, Việt Nam, Đài Loan, Hàn Quốc, và Australia. Trong phạm vi Nhật Bản, với hơn 200 người đến từ 20 thành phố lớn và các trường đại học, trung tâm nghiên cứu chủ chốt, VJSE2017 là dịp để cộng đồng những nhà nghiên cứu và sinh viên người Việt tại Nhật Bản gặp gỡ và kết nối, qua đó tăng cường hợp tác nghiên cứu trên nhiều lãnh vực. Hội nghị đã nhân được sự quan tâm và tham dự của nhiều khách mời trong và ngoài nước: ngài Đại sứ Nguyễn Quốc Cường – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản; ông Phạm Đại Dương – thứ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Giáo sư Masato Murakami- hiệu trưởng trường đại học Shibaura; Ông Bùi Việt Khôi, Tham tán, Trưởng bộ phận Khoa học và Công nghệ; Bà Hà Thị Lâm Hồng, Phó Vụ trưởng, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ; PGS. TS. Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS.TS. Đào Thanh Trường, Trưởng khoa Khoa học quản lý, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG Hà Nội và nhiều vị khách mời khác.

Phát biểu chào mừng tại buổi khai mạc, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường đặc biệt đề cao và kì vọng vai trò của những nhà khoa học trẻ trong việc định hình tương lai của đất nước cũng như tương lai của quan hệ hữu nghị hợp tác Việt – Nhật. Trong bài phát biểu phiên toàn thể, Thứ trưởng Phạm Đại Dương đã nêu rõ quyết tâm và chính sách của Việt Nam nhằm chuyển mình từ vị thế một nước tiêu dùng sang một nước cung cấp các công nghệ, dịch vụ tương lai, nhằm sẵn sàng đón đầu cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4. Thứ trưởng nhấn mạnh vai trò đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam tại nước ngoài trong sự phát triển khoa học công nghệ của đất nước, khẳng định sự ủng hộ của bộ Khoa học và Công nghệ cho các hoạt động kết nối cộng đồng quan trọng như VJSE đã và đang làm. Cuối phiên phát biểu toàn thể, GS Murakami đã có bài phát biểu với tựa đề: “Is Science Almighty?” (Liệu Khoa học có toàn năng?), đặt ra nhiều vấn đề thú vị cho xã hội con người trước sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo và siêu máy tính, đồng thời khẳng định niềm tin vào sự Sáng tạo và Linh hoạt, hai tố chất tạo nên khác biệt giữa con người và máy móc. Các bài phát biểu tổng quan từ các khách mời đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho những người tham gia, trong đó đa phần là các nhà khoa học trẻ.

Chất lượng báo cáo khoa học của VJSE2017 cũng đặc biệt được đánh giá cao, với 2 bài nói phiên toàn thể (Plenary Talks); 6 bài phát biểu chủ đạo (Keynotes) từ các giáo sư người Việt và Nhật: GS Hồ Tú Bảo (viện JAIST), GS Susumu Sugiyama (GS ĐH Ritsumeikan và Giám đốc kỹ thuật trung tâm Saigon Hi-tech Park), PGS Tạ Cao Minh (ĐH Bách khoa Hà Nội), GS Craig Parsons (ĐH quốc lập Yokohama), GS Nobuhiko Sarukura (ĐH Osaka), GS Emiko Okazaki (ĐH công nghệ hải dương Tokyo), tập trung vào hai lĩnh vực thu hút nhiều quan tâm: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, và quan hệ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản; 15 bài phát biểu mời (Invited Talks) từ các nhà nghiên cứu đầu ngành và 74 bài phát biểu của các tác giả đến từ 6 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các bài báo cáo khoa học của hội nghị được chia thành 8 phiên báo cáo chuyên đề và một triển lãm poster, nằm về các mảng chính như sau: – IT, trí tuệ nhân tạo – Công nghệ Y sinh – Khoa học ứng dụng – Khoa học vật liệu Nano/Micro – Môi trường xây dựng – Khoa học xã hội và nhân văn.

Cùng ngày diễn ra hội nghị, VANJ còn tổ chức hoạt động kết nối cộng động: bữa trưa cùng VANJ (VANJ luncheon) với sự tham gia của 50 khách đăng ký là các nhà nghiên cứu trẻ trong và ngoài nước Nhật. Anh Nguyễn Thành Vinh, đại diện cho BTC VANJ, đã có bài giới thiệu về mục tiêu, hướng phát triển và các hoạt động của hội cũng như kêu gọi sự tham gia đóng góp của các nhà nghiên cứu cho sự phát triển của hội. Buổi giao lưu đã thu hút được sự quan tâm của nhiều bạn với các câu hỏi và thảo luận về tương lai và hướng đi của hội.

Sau phiên hội nghị, VANJ cũng đã tổ chức lab tour tại trường Đại học Tokyo nhằm giới thiệu với những người tham gia môi trường làm việc, nghiên cứu tại Đại học hàng đầu Nhật bản này. Đoàn đã thăm quan 2 phòng clean-room (phòng thí nghiệm siêu sạch) Takeda và MEMS Lab. Đây cũng là cơ hội để nhiều thành viên giới thiệu tóm tắt về đề tài nghiên cứu của mình, mở rộng giao lưu và hợp tác. Với hoạt động này, VANJ hi vọng kết nối thêm được nhiều bạn làm việc trong ngành kĩ thuật, trao đổi kiến thức, hướng tới cộng tác nghiên cứu trong tương lai.

VJSE2017 đã nhận được sự quan tâm ủng hộ và tham gia ngoài mong đợi của ban tổ chức. Trong đó, hội nghị ghi nhận sự đóng góp tích cực của các thành viên của VANJ với vai trò nòng cốt trong hội đồng khoa học, kêu gọi quảng bá hội nghị và phụ trách nội dung chương trình. Thành công của hội thảo là một sự khích lệ rất lớn đối với VANJ nói riêng và cộng đồng tri thức trẻ Việt Nam tại Nhật Bản nói chung. Dự kiến VJSE sẽ tiếp tục được tổ chức trong các năm tiếp theo, và sẽ là cầu nối quan trọng giữa cộng đồng nghiên cứu Việt ở trong nước và tại Nhật Bản. Đồng hành cùng VJSE, các hoạt động của VANJ như hội thảo hàng quý, các buổi seminar học thuật, liên kết nghiên cứu và giảng dạy sẽ được xúc tiến và tiếp tục trong thời gian tới. Các bạn quan tâm hoặc muốn tham gia hoạt động của VANJ xin gửi thư tới hòm thư vanj.infor@gmail.com hoặc trực tiếp tham gia các hoạt động của VANJ cập nhật trên website vanj.jp.

Ban tổ chức VJSE chụp hình lưu niệm cùng các vị khách mời và diễn giả
Ban tổ chức VJSE chụp hình lưu niệm cùng các vị khách mời và diễn giả

 

Hình lưu niệm toàn thể người tham gia trong phiên khai mạc
Hình lưu niệm toàn thể người tham gia trong phiên khai mạc

 

Phát biểu khai mạc VJSE2017 từ TS Lê Đức Anh, đồng chủ tịch hội nghị
Phát biểu khai mạc VJSE2017 từ TS Lê Đức Anh, đồng chủ tịch hội nghị

 

Phát biểu chào mừng hội nghị từ ĐS Nguyễn Quốc Cường
Phát biểu chào mừng hội nghị từ ĐS Nguyễn Quốc Cường

 

Phát biểu chào mừng từ GS Murakami – Hiệu trưởng ĐH Shibaura
Phát biểu chào mừng từ GS Murakami – Hiệu trưởng ĐH Shibaura

 

Thứ trưởng Phạm Đại Dương và GS Murakami trao đổi quà lưu niệm
Thứ trưởng Phạm Đại Dương và GS Murakami trao đổi quà lưu niệm

 

Thứ trưởng Phạm Đại Dương phát biểu phiên toàn thể
Thứ trưởng Phạm Đại Dương phát biểu phiên toàn thể

 

Thứ trưởng Phạm Đại Dương tặng quà lưu niệm cho các keynote speaker
Thứ trưởng Phạm Đại Dương tặng quà lưu niệm cho các keynote speaker

 

Giáo sư Hồ Tú Bảo với bài nói về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4
Giáo sư Hồ Tú Bảo với bài nói về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4

 

Quang cảnh thảo luận tại phiên trình bày poster của hội nghị
Quang cảnh thảo luận tại phiên trình bày poster của hội nghị

 

Quang cảnh thảo luận tại 1 phiên báo cáo chuyên đề của hội nghị
Quang cảnh thảo luận tại 1 phiên báo cáo chuyên đề của hội nghị

 

BTC trao giải phát biểu xuất sắc cho các tác giả
BTC trao giải phát biểu xuất sắc cho các tác giả

 

TS Nguyễn Thành Vinh giới thiệu về VANJ tại VANJ luncheon
TS Nguyễn Thành Vinh giới thiệu về VANJ tại VANJ luncheon

 

Lab tour tại phòng thí nghiệm siêu sạch – ĐH Tokyo
Lab tour tại phòng thí nghiệm siêu sạch – ĐH Tokyo