Ngày 22/2/2020 vừa qua, Mạng lưới học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ) đã tổ chức seminar với chủ đề “Dịch bệnh COVID-19” nhằm chia sẻ và thảo luận các vấn đề liên quan đến dịch bệnh COVID-19 gây ra bởi chủng virus corona mới. Với sự góp mặt của 5 diễn giả và đông đảo người tham dự qua Skype và theo dõi qua Livetream, seminar đã diễn ra thành công tốt đẹp với nhiều trao đổi thảo luận chất lượng và thú vị.

Diễn giả Nguyễn Thị Ngọc Ánh trình bày về ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 lên nền kinh tế. Theo diễn giả, bệnh dịch ảnh hưởng trực tiếp vào ngành du lịch, giải trí, bán lẻ; tiếp theo là các ngành xuất nhập khẩu, những ngành có độ mở thương mại lớn và thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu (ví dụ các ngành công nghiệp). Tiếp đến là các ngành tiêu dùng, đầu tư, thị trường tài chính (nhất là thị trường Châu Á) bị sụt giảm mạnh. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người dân, gây ra lạm phát, tăng giá cả hàng hoá, ngân sách thu giảm chi tăng, tỷ giá ngoại tệ dao động. Theo diễn giả, các tiêu chí để đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh này lên kinh tế của quốc gia, khu vực gồm: (1) Khả năng lây lan dịch bệnh từ Trung Quốc; (2) Thời gian kéo dài của dịch; (3) Độ mở thương mại và sự thâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu; (4) Độ mở thị trường tài chính; (5) Khả năng sử dụng các chính sách tài khoá và tiền tệ kích cầu.

BS. Đỗ Khắc Nhân chia sẻ một số quan điểm về dịch bệnh COVID-19. Theo diễn giả, điểm khác biệt chính của dịch Covid-19 so với dịch bệnh SARS, MERS gây ra trước đây là người bệnh có triệu chứng lâm sàng nhẹ và gian ủ bệnh dài (2-14 ngày), điều này khiến dịch bệnh lan nhanh. Triệu chứng của bệnh COVID-19 khá giống với cảm cúm thông thường như ho, sốt, đau mỏi cơ và kèm theo khó thở. Bệnh có khả năng lây lan cho mọi lứa tuổi (kể cả trẻ em) và tỷ lệ tử vong cao hơn đối với người già. Con đường lan truyền chính của virus này là trực tiếp qua giọt bắn từ đường hô hấp của người bệnh hoặc gián tiếp qua tiếp xúc bề mặt có virus. Ngoài ra, virus có thể lây qua chất thải bệnh nhân. Để phòng tránh dịch bệnh, chúng ta nên hạn chế việc gặp gỡ đông người, tránh chạm tay vào mắt hoặc mũi, vệ sinh cá nhân như rửa tay. Một số nhóm đối tượng có thể có nguy cơ cao bị viêm phổi cấp tính khi nhiễm bệnh là những người bị tiểu đường, cao huyết áp, viêm phổi mãn tính và những người cao tuổi.

Chia sẻ tại seminar, BS Phạm Nguyên Quý có cách ví von thú vị khi coi dịch bệnh như một tên ăn trộm và để phòng tránh chúng ta cần hiểu rõ về nguy cơ bị ăn trộm và các con đường đột nhập (lây nhiễm). Do đó, để giảm nguy cơ lây nhiễm chúng ta cần thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa “ kinh điển” như rửa tay, che mũi/miệng khi hắt hơi, né chốn đông người để ngăn chặn các con đường lây nhiễm của virus. Ngoài ra diễn giả cũng khuyên mọi người không nên làm theo những phương pháp chưa được kiểm chứng mà chủ quan và lơ là thực hiện những biện pháp phòng tránh hiệu quả. Bên cạnh đó, diễn giả cũng nhấn mạnh về 2 dịch bệnh ăn theo dịch bệnh COVID-19 cần được kiểm soát đó là 1) Dịch liên quan đến kỳ thị và 2) Dịch về tin bẩn, tin đồn không có căn cứ. Diễn giả chia sẻ một số nguồn tra cứu thông tin tin cậy về dịch bệnh COVID-19 như: trang tin về COVID-19 của Bộ Y tế; Báo Sức khỏe & Đời sống; Y học cộng đồng; và nguồn thông tin từ tổ chức CDC và WHO. 

Cuối cùng, diễn giả Bùi Lê Minh chia sẻ một số thông tin về các phương pháp xác định ca nhiễm bệnh gây ra do chủng virus corona mới. Nhóm nghiên cứu của tác giả hiện nay đang phát triển một bộ kit xét nghiệm nhanh dựa trên phương pháp nhân bản đẳng nhiệt (LAMP) trong đó sử dụng các enzyme và các mồi đặc hiệu khác nhau để phát hiện virus. Phương pháp này có ưu điểm hơn so với phương phân tích phân tử RT-qPCR (phương pháp tiêu chuẩn để xác định người bị nhiễm virus) về thời gian phân tích (<1 tiếng) và không cần các thiết bị phân tích chuyên dụng như RT-qPCR. Do đó, phương pháp này có thể được áp dụng tại các cơ sở y tế địa phương nơi không đủ cơ sở vật chất để có thể xét nghiệm cho nhiều người với thời gian ngắn. Về việc phát triển thuốc và vaccine, hiện nay có nhiều nhóm phát triển tuy vậy vẫn còn phải rất lâu nữa mới có thể đưa ra thị trường. Do đó, việc phòng dịch, cô lập dịch là việc quan trọng vào thời điểm hiện tại. 

Seminar đã diễn ra sôi nổi với nhiều câu hỏi đến từ khán giả. Qua những thông tin và lời khuyên chia sẻ từ các diễn giả, khán giả có thể trang bị cho mình nhiều kiến thức và kỹ năng hữu ích để bảo vệ mình và người xung quanh trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Và cuối cùng, các diễn giả gửi đến thông điệp cho khán giả tham gia seminar: “Chúng ta nên chọn lọc những thông tin đúng đắn và thay đổi thói quen để phòng chống dịch một cách hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất” (BS. Quý); “Chúng ta nên sợ nhưng sợ một cách đúng mức và không hoang mang để tránh kẻ xấu lợi dụng. Bên cạnh đó, chúng ta không nên làm theo những cách phòng bệnh chưa được kiểm chứng, có thể gây ra phiền toái, tốn kém và không hiệu quả” (BS Nhân); “Chúng ta nên tin tưởng vào các nhà khoa học và tiếp cận thông tin thông qua các kênh chuyên ngành uy tín để có được những thông tin bổ ích và tin cậy” (TS. Minh); “dịch càng lâu được dập hệ quả kinh tế càng khó lường, nên hãy cố gắng bảo vệ mình và người thân, đồng thời có những hành động hợp lí, không cần quá sợ hãi mà tiết giảm các hoạt động kinh tế một cách quá mức” (TS. Ánh).

Một số câu hỏi của các khán giả và trả lời của diễn giả

  • Điều kiện để được xét nghiệm ở Nhật và ở Việt Nam?

Ở Nhật, sốt trên 37.5oC kéo dài trên 4 ngày kèm theo mệt mỏi khó thở thì nên liên hệ các cơ sở y tế để được tư vấn và làm xét nghiệm. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp cụ thể như người già, người có bệnh mãn tính hoặc phụ nữ có thai…v.v có thể liên hệ khi triệu chứng này kéo dài từ 2 ngày trở lên. Ở Việt Nam, các đối tượng có dấu hiệu bị viêm phổi sẽ được ưu tiên làm xét nghiệm. Các đối tượng khác sẽ dựa vào thông tin khảo sát như: có tiếp xúc với người bệnh dương tính với virus corona hoặc người trở về từ vùng dịch.

  • Virus có thể tồn tại trên các bề mặt vật thể bao lâu?

Chưa có nghiên cứu chính thức về chủng virus mới này, tuy nhiên các chủng virus corona tương tự có thể tồn tại trên bề mặt vật thể khoảng 4-5 ngày tùy thuộc vào điều kiện như nhiệt độ và độ ẩm. Để tránh nhiễm bệnh chúng ta nên tập chung vào ngăn chặn các con đường lây nhiễm của virus cụ thể như: rửa tay và vệ sinh những vật dụng hay tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại) thường xuyên. 

  • Có thể dùng huyết tương của người nhiễm virus corona đã khỏi bệnh để chữa trị cho người bệnh?

Có một số thông tin (cụ thể ở Trung Quốc) cho rằng bệnh này có thể được chữa trị bằng huyết tương của người đã hồi phục. Tuy nhiên, tính hiệu quả của phương pháp này vẫn chưa được kiểm chứng. Ở Nhật, chưa có trường hợp nào được chữa trị bằng huyết tương. Hiện nay, để điều trị bệnh do virus chủ yếu vẫn dựa vào các phương pháp truyền thống là hỗ trợ hệ miễn dịch.

  • Dịch bệnh COVID-19 có thể được kiểm soát vào mùa hè khi nhiệt độ tăng cao hay không? Vì hiện nay, dịch bệnh này đang lây lan trong một số quốc gia có điều kiện khí hậu nóng như Úc và Iran

Nhiệt độ có thể ảnh hưởng đến khả năng tồn tại của virus trong môi trường. Tuy nhiên, dịch bệnh này lây lan chủ yếu qua giọt bắn từ người bệnh do đó điều kiện khí hậu có thể không phải là yếu tố chính ảnh hưởng đến khả năng lây lan của dịch bệnh. 

  • Nguy cơ virus mới này sẽ trở thành virus cúm mùa?

Theo dự báo của một số nhà khoa học thì virus này có khả năng sẽ biến đổi và trở thành virus gây bệnh theo mùa. Bên cạnh đó, theo nguyên tắc tiến hóa, virus có độc tính cao (giết chết vật chủ) sẽ không có khả năng tồn tại lâu dài hoặc lây lan cho nhiều vật chủ. Do đó, virus thường có xu hướng tiến hóa giảm độc tính để truyền bệnh dễ hơn, lây lan cho nhiều vật chủ hơn. Do vây, khả năng virus này trở thành cúm mùa là tương đối cao.

  • Người không có dấu hiệu mắc bệnh có thể truyền bệnh hay không?

Có nhiều người mang bệnh nhưng không có dấu hiệu mắc bệnh, và những người này vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác. Tuy nhiên, khả năng lây bệnh sẽ không cao. Khả năng gây bệnh cao nhất thường diễn ra vào giai đoạn người bệnh có xuất hiện triệu chứng như sốt, ho. 

  • Khả năng ứng phó của hệ thống y tế của Nhật khi dịch bệnh bùng phát?

Thời điểm hiện tại, bệnh nhân đang được khám và điều trị tại các bệnh viện chuyên về truyền nhiễm. Tuy nhiên, trong tương lai khi mà tình hình dịch bệnh trở nên xấu hơn, các bệnh viện tuyến dưới có thể được huy động để hỗ trợ. Theo một số thông tin trên phương tiện truyền thông, ở Nhật không có nhiều cơ sở y tế chuyên dụng có khả năng điều trị các bệnh truyền nhiễm như bệnh COVID-19. Do đó, chính phủ khuyên khích các bệnh viện tuyến dưới nâng cấp cơ sở vật chất và có kế hoạch ứng phó phù hợp.

  • Cơ sở khoa học cho việc người bệnh bị tái nhiễm sau khi được chữa khỏi?

Đây là trường hợp của một bệnh nhân Trung Quốc có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi ra viện. Tuy nhiên, có thể bệnh nhân này vẫn còn mang virus với nồng độ thấp và khi xét nghiệm có sai sót dẫn đến kết quả âm tính giả. Do đó, cần làm xét nghiệm nhiều lần để hạn chế vấn đề âm tính giả trong phân tích.

  • Hiệu quả của việc dùng thuốc HIV để chữa trị bệnh?

Hầu hết các bệnh nhân có thể tự khỏi bệnh nhờ vào hệ miễn dịch hoặc thông qua hỗ trợ điều trị triệu chứng. Tuy nhiên, với một số trường hợp bị nặng và điều trị triệu chứng không có tác dụng thì có thể sử dụng một số thuốc kháng virus. Hiện nay, một số thông tin cho rằng thuốc điều trị HIV hoặc Ebola có hiệu quả trong việc điều trị đối với bệnh COVID-19. Tuy nhiên, vẫn chưa có công bố khoa học chính thức.

  • Giai đoạn phát triển test kit nhanh của nhóm nghiên cứu tại Đại học Nguyễn Tất Thành? và thời gian dự kiến đưa ra thị trường?

Hiện tại nghiên cứu đã hoàn thành khoảng 80% và đã thực hiện trên các mẫu vật chất di truyền (RNA). Kết quả cho thấy phương pháp này có hiệu quả cao tương tự như phương pháp tiêu chuẩn RT-qPCR và thời gian phân tích thì ngắn hơn chỉ dưới 1h. Tuy nhiên vẫn cần phải thử nghiệm phương pháp này với các mẫu bệnh phẩm. 

  • Bên cạnh những tác động tiêu cực lên đời sống, kinh tế, xã hội thì dịch bệnh COVID-19 có tạo ra những thay đổi nào mang tính tích cực không?

Thứ nhất là ý thức của người dân được nâng cao. Người dân có ý thức tự bảo vệ mình và bảo vệ người khác, giúp giảm thiểu lây lan của các dịch bệnh khách. Cụ thể, bệnh cúm mùa giảm hơn 50% so với năm ngoái (từ 140,000 ca chỉ còn 70,000 ca so với cùng kỳ). Thứ hai là dịch cúm này rút ra được bài học để hoàn thiện các biện pháp kiểm soát dịch trong tương lai. Thứ ba là nhờ có dịch bệnh này mà nước Nhật và thế giới đã thay đổi cách thức làm việc, chuyển sang online nhiều hơn. Thứ tư, dịch bệnh COVID-19 chính là là phép thử đối với hệ thống y tế, khả năng phòng chống dịch của các quốc gia cũng như những cơ chế phản ứng, phối hợp, liên kết giữa các quốc gia trong phòng chống dịch bệnh có tính chất lây lan toàn cầu. Cuối cùng, dịch lại giúp cho các công ty bắt đầu cho nhân viên làm việc ở nhà, có thể đây sẽ trở thành cú hích giúp thay đổi (phần nào) cách người Nhật làm việc, cân bằng cuộc sống hơn.

  • Chính phủ có biện pháp hỗ trợ như thế nào cho các doanh nghiệp?

Chính phủ có thể có các biện pháp hỗ trợ về mặt tài chính như cho các doanh nghiệp vay với lãi suất thấp hoặc hỗ trợ thông qua ngân sách chính phủ ví dụ Nhật Bản thông qua gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang. Ngài ra, doanh nghiệp nên chủ động ứng phó bằng cách đẩy mạnh sản xuất ở ngoài Trung Quốc và có kế hoạch chuyển hướng đầu tư để ít bị phụ thuộc vào Trung Quốc.