Hiện nay có rất nhiều dịch vụ chia sẻ các loại đồ vật khác nhau, nhưng liệu việc sử dụng những dịch vụ này có thực sự giúp giảm lượng CO₂ không?

Credit: University of Tokyo

Phó Giáo sư bậc 2 (Associate Professor) Kiyo Kurisu trả lời: “Chúng ta không thể đánh giá chính xác nếu không xem xét toàn bộ vòng đời của sản phẩm.”

Đánh giá tác động môi trường “từ khởi đầu cho đến kết thúc”

Trong những năm gần đây, các dịch vụ chia sẻ các loại sản phẩm như xe đạp, quần áo hay thực phẩm đã xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy nhiên, các dịch vụ này chỉ thực sự mang lại tác động tích cực cho môi trường nếu chúng ta hiểu rõ những công đoạn từ lúc sản xuất cho đến khi thải bỏ, và sử dụng những thành phẩm một cách hiệu quả. Ví dụ, sử dụng dịch vụ chia sẻ xe hơi có thể không tốt cho môi trường nếu trước đó chuyến đi đó vốn được thực hiện bằng cách đi bộ. Tương tự, nếu việc chia sẻ dẫn đến việc sản xuất và thải bỏ sản phẩm nhiều hơn trước, thì sự gia tăng tiêu dùng này sẽ chỉ làm tăng thêm tác động cho môi trường.

Tác động lên môi trường của một sản phẩm được chia sẻ có thể được đánh giá định lượng thông qua phương pháp đánh giá vòng đời (LCA). Phương pháp LCA giúp tính toán lượng CO₂ phát thải “từ khởi đầu cho đến kết thúc” (from the cradle to the grave),  bao gồm tất cả các bước từ khai thác nguyên liệu thô cho đến khi sản phẩm được xử lý cuối cùng. LCA không chỉ tính toán tổng lượng CO₂ phát thải, mà còn cho biết giai đoạn nào trong toàn bộ quy trình gây ra tác động môi trường lớn nhất. Ví dụ, việc vận hành xe hơi gây tác động môi trường lớn hơn nhiều so với quá trình sản xuất và thải bỏ nó, cho thấy rằng việc giảm tiêu thụ nhiên liệu là yếu tố then chốt để cắt giảm lượng CO₂ từ xe hơi. Vì vậy, tính theo quãng đường di chuyển, việc chia sẻ một chiếc xe hơi tương đối mới, tiết kiệm nhiên liệu như xe điện (EV) sẽ thân thiện với môi trường hơn so với việc tiếp tục sử dụng một chiếc xe cũ trong nhiều năm. Điều này cũng áp dụng cho các thiết bị điện gia dụng: việc mua một thiết bị mới có hiệu suất năng lượng cao sẽ tốt cho môi trường hơn là tiếp tục dùng một thiết bị cũ tiêu tốn nhiều năng lượng.

Các vật dụng khác như dù hoặc đồ nội thất hầu như không phát thải CO₂ trong quá trình sử dụng. Trong những trường hợp này, cần tập trung vào việc cắt giảm lượng CO₂ phát thải trong quá trình sản xuất và xử lý thải bỏ. Tác động lên môi trường liên quan đến việc sản xuất và thải bỏ một chiếc ô dùng cho thuê có khả năng sẽ cao hơn so với một chiếc ô nhựa giá rẻ. Tuy nhiên, gánh nặng đó có thể được bù đắp nếu chiếc dù được nhiều người sử dụng.
Tương tự, nhiều người mua sắm hiện nay sử dụng “túi sinh thái” (eco bag) hoặc các loại túi tái sử dụng khác. như một giải pháp thân thiện với môi trường thay thế cho túi nhựa dùng một lần. Tuy nhiên, những chiếc túi sinh thái hay túi tái sử dụng này cần phải được sử dụng ít nhất 100 lần mới có thể thực sự mang lại lợi ích cho môi trường

Trong khi cốc dùng một lần gây ra lượng phát thải CO₂ cao, việc uống bằng bình giữ nhiệt (tumbler) chỉ thực sự giúp giảm phát thải nếu chiếc bình đó được sử dụng đủ số lần cần thiết. Hiệu quả của việc chia sẻ sản phẩm phụ thuộc vào cách thức sản phẩm đó được sử dụng.

 

Các quốc gia có thái độ khác nhau đối với các dịch vụ chia sẻ

Mặc dù các dịch vụ chia sẻ đã phát triển như một mô hình tiêu dùng mới trên toàn thế giới, thái độ đối với việc sử dụng chung sản phẩm lại khác nhau giữa các quốc gia. Nhóm nghiên cứu của tôi đã khảo sát sự khác biệt về thái độ tiêu dùng giữa Thụy Sĩ và Nhật Bản. Trong khi phần lớn người Nhật khá cởi mở với việc thuê các mặt hàng thể thao hoặc trang phục cao cấp đã qua sử dụng, thì người Thụy Sĩ lại có xu hướng muốn sở hữu những mặt hàng đó cho riêng mình. Ngoài ra, không gian lưu trữ hạn chế trong nhà khiến người Nhật có xu hướng ưa chuộng việc sử dụng dịch vụ chia sẻ, trong khi người Thụy Sĩ lại đặt nặng yếu tố chất lượng của những món đồ được chia sẻ.

Tôi đã thực hiện nhiều nghiên cứu khác nhau về tác động của biến đổi khí hậu trong nhiều năm qua, và một trong những chủ đề lớn nhất mà tôi theo đuổi là làm thế nào để truyền đạt hiệu quả thông tin nhằm thay đổi hành vi của con người. Để giải quyết vấn đề này, tôi thậm chí còn sáng tạo ra các công cụ giáo dục như trò chơi cờ Sugoroku để giảng dạy về LCA. Tôi hy vọng rằng nghiên cứu của mình sẽ giúp mọi người nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và thúc đẩy sự thay đổi trong hành vi hàng ngày.

Trò chơi board game Sugoroku hướng dẫn người chơi cách suy nghĩ về tác động môi trường của một sản phẩm dựa trên vòng đời của nó. Phó Giáo sư Kurisu đã phát triển trò chơi này nhằm giúp mọi người trải nghiệm việc cân nhắc sự thay đổi trong lượng khí nhà kính phát thải thông qua việc quan sát toàn bộ vòng đời của sản phẩm, từ khởi đầu cho đến kết thúc.

 

 

* Bài viết này được đăng lần đầu trên Tansei 46 (bằng tiếng Nhật). Tất cả thông tin trong bài viết này tính đến tháng 3 năm 2023.
– Đường dẫn đến bài viết gốc (Anh):
https://www.u-tokyo.ac.jp/focus/en/features/z1304_00273.html
– Đường dẫn đến Tansei46 (Nhật):
https://www.u-tokyo.ac.jp/content/400209584.pdf

Tansei là tạp chí định kì của Đại học Tokyo (University of Tokyo – Tokyo Daigaku). Tạp chí xoay quanh các vấn đề khoa học và xã hội dưới góc nhìn của những giáo sư, nhà nghiên cứu tại Đại học Tokyo, một trong những đại học hàng đầu Nhật Bản. Qua những bài viết từ Tansei, độc giả được tiếp cận đến những thông tin khoa học với các chủ đề thú vị như giới thiệu về các giải Nobel từ đại học Tokyo (Tansei số 32), các đề tài liên kết với địa phương (Tansei số 35), các vấn đề về môi trường (Tansei số 46),… Tansei cũng bao gồm những bài viết giới thiệu về các hoạt động và cuộc thảo luận với sinh viên đại học Tokyo, đưa đến một sự đa dạng và năng động trong nội dung của mình.