Phần 3: Gói hỗ trợ và kích thích kinh tế khổng lồ chưa từng có của Nhật  

Tại Phần 1 và Phần 2 đã được đăng trước đây, chúng tôi có chia sẻ với quý độc giả về Gói hỗ trợ “100,000 yên mỗi người” (mà trước đó là 300,000 yên cho các hộ bị ảnh hưởng), tuy nhiên đây chỉ là một trong những hỗ trợ của gói kinh tế khổng lồ Nhật sắp sửa tung ra. Trong Phần 3 này, chúng tôi xin mời các quý vị cùng tìm hiểu nguồn gốc và nội dung của gói hỗ trợ và kích thích lớn chưa từng có này của Nhật Bản trong series bài viết về “Ảnh hưởng của COVID-19 tới Kinh tế Xã hội” của VANJ

Ngày 07/04/2020, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cam kết tung ra gói hỗ trợ và kích thích kinh tế chưa từng có tiền lệ, tương đương gần 20% tổng GDP của Nhật, kèm các đối sách để khống chế sự suy thoái do ảnh hưởng của đại dịch hiện nay. Gói có tổng trị giá 108 nghìn tỷ yên (990 tỷ USD), lớn hơn cả ngân sách 102.7 nghìn tỷ yên của năm 2020 (tương đương 18.5% GDP năm 2019), và lớn hơn gần gấp đôi gói kích thích 56.8 nghìn tỷ yên giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2009. 

1. Tại sao lại gọi là “gói hỗ trợ và kích thích kinh tế”?

Như tên gọi của nó, gói kinh tế sẽ bao gồm 2 phần: phần nhằm hỗ trợ nền kinh tế để ứng phó với dịch và phần nhằm kích thích nền kinh tế sau dịch. 

Các biện pháp hỗ trợ bao gồm kiểm soát dịch và tăng cường hệ thống y tế (chẳng hạn tăng số giường bệnh, đảm bảo nguồn khẩu trang cho cơ sở y tế và các trung tâm dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cung ứng máy thở), và các biện pháp hỗ trợ việc làm và kinh doanh (ví dụ giảm/miễn thuế, hỗ trợ doanh nghiệp vay không lãi suất, tiền trợ cấp cho người dân). Tất cả các biện pháp hỗ trợ đều nhằm mục đích giúp người dân và doanh nghiệp duy trì cuộc sống và “sống sót” qua đại dịch.

Sau khi đã kiểm soát được dịch, các gói kích thích kinh tế mới được thực hiện nhằm kích cầu, đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo vốn có. Gói kích thích dự định bao gồm trợ cấp du lịch qua phát hành voucher, tăng cường đầu tư trong nước, trợ cấp cho các doanh nghiệp tái định hình chuỗi cung ứng tại nước ngoài, v.v. Việc chia ra hai giai đoạn trợ cấp với hai mục đích này nhằm phát huy tối đa sức mạnh của các biện pháp kinh tế. Nhất là khi dịch chưa bị đẩy lùi, các gói mang tính “kích thích” dù có được tung ra cũng không mang lại kết quả. Dù Chính phủ có cố gắng hỗ trợ du lịch đến đâu, chẳng có ai dám đi du lịch khi dịch vẫn đang hoành hành cả!

2. Nguồn tài chính cho gói kinh tế lấy từ đâu?

Có rất nhiều lo ngại nguồn kích thích sẽ đẩy nợ công của Nhật, vốn đã là hơn 200% GDP, tăng nhanh trong thời gian tới. Tuy nhiên, không phải toàn bộ gói kinh tế đều tính vào nợ nhà nước.

Gói kinh tế 20% GDP thực chất bao gồm cả giải ngân tài khóa cũng như các khoản vay và bảo lãnh cho vay từ các tổ chức tài chính công như Chương trình Cho vay Đầu tư Tài chính (FILP) và các ngân hàng chính sách khác. Nói cụ thể hơn, những phần chi từ Ngân sách nhà nước sẽ làm tăng thêm nợ công, còn các khoản hỗ trợ vay từ các tổ chức tài chính hay ngân hàng chính sách thì không được tính. 

Nếu chỉ xét riêng nguồn chi ngân sách, gói kích thích (dự kiến ban đầu) chỉ bao gồm 16.7 nghìn tỷ yên (3% GDP) là lấy từ ngân sách (Bảng 1). Con số này ước tính có thể tăng lên thành gần 25 nghìn tỉ yên (4.5% GDP) sau khi chính phủ thay đổi quyết định để chuyển sang hỗ trợ cho mọi người. 

3. Nội dung cụ thể của gói kinh tế

  3.1. Kiểm soát dịch và tăng cường hệ thống y tế

– Tăng gấp ba lần sản xuất thuốc chống cảm cúm Avigan của Fujifilm Holding Corp trong năm tài chính này để có thể sử dụng để điều trị cho khoảng hai triệu người. Avigan đang được thử nghiệm ở Trung Quốc để điều trị COVID-19. (các thử nghiệm lâm sàng được tiến hành trên khoảng 240 bệnh nhân của thành phố Vũ Hán và 80 bệnh nhân ở Thâm Quyến. Những bệnh nhân dương tính với chủng mới của virus COVID-19 đã chuyển sang âm tính sau khi dùng thuốc 4 ngày, trong khi bình thường phải mất đến 11 ngày cho những người không dùng thuốc. Tại Nhật Bản cũng ghi nhận 120 ca bệnh được khẳng định có những thay đổi tích cực khi sử dụng thuốc. Chính phủ Nhật Bản cũng đang yêu cầu tích trữ 2 triệu liều thuốc này, một người bệnh điều trị cần 3 liều nên số thuốc trên đủ cho khoảng 700,000 người).

– Tăng cường nguồn cung y tế. Tăng thêm số giường bệnh và thêm 6000 giường cho người cách ly, hỗ trợ sản xuất khẩu trang, vắc-xin và cơ sở hạ tầng để thúc đẩy hoạt động xét nghiệm từ xa. Các doanh nghiệp mới tham gia sản xuất sản phẩm y tế như khẩu trang, cồn diệt khuẩn,… sẽ được hỗ trợ tối đa 30 triệu yên cho 1 dây chuyền sản xuất.

– Cung cấp cho chính quyền địa phương một khoản trợ cấp bổ sung với tổng trị giá 1 nghìn tỷ yên để giúp họ gánh vác các chi phí như đảm bảo chỗ ở cho những người bị nhiễm vi-rút mới.

– Thành lập quỹ dự trữ dành cho phòng chống các bệnh truyền nhiễm để thực hiện các biện pháp cần thiết trong tương lai.

  3.2. Hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân

– Hỗ trợ về vốn: các công ty vừa và nhỏ được vay với lãi suất bằng 0 mà không cần thế chấp; chương trình cho vay khủng hoảng của Ngân hàng Phát triển Nhật Bản và Ngân hàng Shoko Chukin áp dụng cho các công ty lớn; hỗ trợ tài chính trị giá 2 nghìn tỷ yên cho các hãng hàng không; 1 tỷ yên hỗ trợ cho ngành du lịch.

– Hỗ trợ về thuế doanh nghiệp: giảm thuế doanh nghiệp của các công ty vừa và nhỏ; miễn thuế bất động sản và thuế tài sản cố định nếu doanh số bán hàng của công ty giảm hơn một nửa so với cùng kỳ trong bất kỳ khoảng thời gian ba tháng giữa tháng 2 và tháng 10; kéo dài thời gian thanh toán thuế doanh nghiệp thêm 1 năm cho các công ty vừa và nhỏ; mở rộng đối tượng các công ty được xác định thua lỗ do chịu ảnh hưởng từ chính sách hoàn thuế.

– Hỗ trợ các loại thuế khác: Giảm thuế ô tô, giảm thuế mua phương tiện tiết kiệm nhiên liệu, hoãn nộp thuế mua nhà.

– Hỗ trợ tiền mặt cho công dân Nhật: hỗ trợ cho các hộ gia đình có thu nhập bị ảnh hưởng 300,000 yên một hộ (ngày 17/4 hỗ trợ này bị bãi bỏ để chuyển sang gói 100,000 yên cho mỗi công dân); hỗ trợ thêm 10,000 yên cho mỗi trẻ em (tuy nhiên trợ cấp này được quyết cùng với hỗ trợ “300,000 yên” và hiện chưa rõ liệu có thay đổi hay không).

– Hỗ trợ tiền mặt cho doanh nghiệp: xuất chi tiền mặt cho các công ty vừa và nhỏ để giúp tiếp tục hoạt động kinh doanh (cao nhất là 1 triệu yên cho doanh nghiệp cá nhân và 2 triệu yên cho pháp nhân); tăng trợ cấp điều chỉnh việc làm cho các công ty vừa và nhỏ cũng như các công ty lớn, những người giữ nhân viên trong biên chế, để tránh bị sa thải và phá sản.

3.3. Kích thích kinh tế sau dịch

– Hỗ trợ du lịch, nông nghiệp: hỗ trợ du lịch, dịch vụ ăn uống cũng như các ngành trồng hoa hay chăn nuôi bò Nhật Bản (wagyu) qua việc phát hành vouchers và coupons. Bộ Nông nghiệp và Thủy sản cũng thiết lập dịch vu tư vấn tại văn phòng quản lí nông nghiệp địa phương, hướng dẫn cơ bản để người dân tiếp tục canh tác thông qua web hoặc đến từng hộ để hướng dẫn với các hộ không sử dụng internet.

– Hỗ trợ kinh tế địa phương: Chính phủ dành ngân sách 100 tỷ yên cho địa phương để xây dựng

– Hỗ trợ thay đổi chuỗi cung ứng tại nước ngoài: Chính phủ sẽ dành 240 tỉ yên ngân sách và 1 nghìn tỷ yên thông qua Ngân hàng Phát triển Nhật Bản để hỗ trợ các công ty chuyển dây chuyền sản xuất công nghệ cao hiện đang ở nước ngoài về trong nước hoặc mở rộng dây chuyền sản xuất trong nước. Trị giá hỗ trợ có thể lên tới 3/4 tổng chi phí để chuyển/mở rộng nhà máy của doanh nghiệp.

– Hỗ trợ công nghệ thông tin tại các công ty vừa và nhỏ cũng như trong các trường học: 260 tỉ yên sẽ được dành để nâng cao công nghệ học và làm việc từ xa, ví dụ như hỗ trợ mỗi học sinh 1 thiết bị điện tử để phục vụ quá trình học, tăng cường STEAM online, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp để áp dụng làm việc từ xa.

Ngoài gói kinh tế của chính phủ, các chính phủ địa phương như Tokyo, Osaka, Fukuoka cũng dành một khoản lớn trong ngân sách địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác tạm nghỉ kinh doanh trong thời gian thông báo tình trạng khẩn cấp (500 nghìn yên cho một cửa hàng và 1 triệu yên từ 2 cửa hàng trở lên); hỗ trợ nhân viên y tế và các tổ chức y tế trong thành phố, và nhiều biện pháp hỗ trợ khác. Lưu ‎ý các phần hỗ trợ của địa phương được tính trực tiếp vào ngân sách địa phương và không liên quan đến ngân sách trung ương, do đó các khoản hỗ trợ sẽ khác nhau tương đối tùy theo địa phương đó có khả năng chi trả hỗ trợ hay không.

Ảnh minh họa “Kiểm tiền mệnh giá 10.000 Yên tại Tokyo, Nhật Bản”, nguồn http://thoibaotaichinhvietnam.vn/

(Thu Hiền, Ngọc Ánh tổng hợp)