Biên soạn:
- Trần Như Quỳnh, Thành viên Nhóm Thông tin COVID-19 tại Nhật Bản
- Đỗ Đăng An, Nghiên cứu sinh ĐH Tokyo, Thành viên Mạng lưới học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản – VANJ
Lời cảm ơn: nhóm biên soạn chân thành cảm ơn sự giúp đỡ và cố vấn về kiến thức chuyên môn từ các thành viên Mạng lưới học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản – VANJ, bao gồm: BS. TS. Phạm Nguyên Quý, Tổ chức Y học cộng đồng, Bệnh viện Trung Ương Kyoto Miniren; ThS. Lê Huy Hoàng, Nghiên cứu sinh ĐH Tokyo; TS. Vũ Đức Cảnh, ĐH Tokyo; ThS. BSNT. Vũ Thị Mỹ Hạnh, Nghiên cứu sinh khoa Y, ĐH Gifu.
Thông tin chung về Xét nghiệm kháng thể
- Xét nghiệm kháng thể là loại xét nghiệm nhằm phát hiện các kháng thể do cơ thể sinh ra nhằm chống lại một tác nhân nhất định như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, hóa chất độc hại. Trong trường hợp người bị nhiễm virus SARS-CoV-2, các kháng thể tìm thấy trong máu của người đã nhiễm virus chỉ ra rằng người này đã từng nhiễm và có đáp ứng miễn dịch với virus.
- Kết quả của xét nghiệm kháng thể thường đặc biệt quan trọng để phát hiện nhiễm trùng trong quá khứ ở những người có ít hoặc không có triệu chứng.
- Một xét nghiệm kháng thể có thể là định tính (để xem có mặt kháng thể hay không) hoặc định lượng (có bao nhiêu kháng thể trong một đơn vị bệnh phẩm). Thường các xét nghiệm nhanh phát hiện kháng thể là các xét nghiệm định tính.
Tóm tắt đặc trưng của xét nghiệm kháng thể:
- Không thể cho biết virus có mặt ở thời điểm hiện tại hay không, nhưng giúp ích cho việc phát hiện cơ thể đã từng nhiễm virus hay chưa
- Có thể tăng số lượng xét nghiệm phù hợp với quy mô lớn do thực hiện dễ dàng, ra kết quả nhanh
- Nguy cơ lây nhiễm bệnh khi lấy mẫu xét nghiệm thấp
- Độ chính xác bao gồm độ nhạy và độ đặc hiệu rất khác nhau tùy loại kit xét nghiệm
- Âm tính giả/dương tính giả. Với người nhiễm virus ở giai đoạn sớm, lượng kháng thể có thể chưa đủ để cho kết quả dương tính, có thể dẫn đến hiện tượng âm tính giả. Bên cạnh đó, một số xét nghiệm kháng thể độ đặc hiệu không cao có thể phản ứng chéo với kháng thể được sinh ra để chống lại các chủng virus corona khác, gây ra hiện tượng dương tính giả.
Mục đích chính của xét nghiệm kháng thể trong dịch COVID-19 là thu thập dữ liệu tiếp xúc với tác nhân/lịch sử nhiễm bệnh. Ngoài ra, xét nghiệm kháng thể được sử dụng nhằm hướng tới việc hiểu biết rõ hơn về COVID-19, như:
- Đánh giá mức độ bảo vệ (tình trạng miễn dịch) chống lại tác nhân gây bệnh đặc hiệu ở đây là Virus SARS-CoV-2.
- Giám sát quá trình nhiễm trùng hoặc quá trình tự miễn dịch từ đó có các biện pháp khống chế bệnh hiệu quả.
Bảng so sánh các loại xét nghiệm dùng trong chẩn đoán phát hiện Dịch COVID-19 tại Nhật:
Phân loại | Xét nghiệm PCR | Xét nghiệm kháng nguyên | Xét nghiệm kháng thể |
---|---|---|---|
Mục tiêu | Xác định sự hiện diện của virus ở thời điểm hiện tại | Xác định sự tồn tại của virus | Kiểm tra miễn dịch, xác định đã từng nhiễm virus chưa |
Đối tượng | DNA | Protein | Protein |
Quy trình xét nghiệm | 1. Dùng tăm bông vô trùng lấy mẫu từ đường hô hấp như dịch mũi hoặc dịch hầu họng rồi gửi đến cơ sở kiểm tra. 2. Tách chiết RNA của virus SARS-CoV-2, sau đó phiên mã ngược thành DNA. 3. Khuếch đại DNA. Mẫu dương tính với virus sẽ có phản ứng và được xác định bằng các máy móc và kỹ thuật chuyên dụng |
1. Lấy dịch nhầy từ mũi, họng (giống bệnh phẩm của xét nghiệm PCR). 2. Ra kết quả dương tính nếu phát hiện kháng nguyên của virus SARS-CoV-2(Kháng nguyên của virus SARS-CoV-2 là thành phần cấu tạo của virus. Sau khi virus xâm nhập vào cơ thể thì hệ miễn dịch sẽ sản sinh ra các kháng thể tương ứng với kháng nguyên ấy) |
1. Lấy mẫu máu 2. Nếu đã từng nhiễm virus, trong cơ thể có khả năng tồn tại kháng thể 3. Kháng thể, nếu được phát hiện, sẽ khớp với kháng nguyên của virus. Kết quả dương tính nghĩa là trong cơ thể CÓ THỂ đã hình thành miễn dịch với virus SARS-CoV-2. |
Thời gian | Vài tiếng đồng hồ | 15~30 phút | 15~30 phút |
Lưu ý:
- Các xét nghiệm cần được chỉ định bởi bác sĩ dựa trên thăm khám lâm sàng.
- Các thông tin (thời gian ủ bệnh, thời gian xuất hiện kháng thể,…) dựa trên hiểu biết hiện tại về COVID-19.
Kiến thức cơ bản về xét nghiệm kháng thể trong dịch COVID-19 qua hình thức hỏi đáp
Câu hỏi 1: Xét nghiệm kháng thể là gì?
Đáp: Khi virus xâm nhập, cơ thể người sẽ hình thành phản ứng miễn dịch nhằm đào thải virus, trong quá trình đó sẽ tiết ra các phân tử protein gọi là kháng thể. Xét nghiệm kháng thể là nhằm kiểm tra sự hiện diện của những protein ấy, qua đó xác định được người được xét nghiệm đã từng nhiễm virus chưa.
Câu hỏi 2: Sự khác biệt giữa xét nghiệm kháng thể và xét nghiệm PCR?
Đáp: Với xét nghiệm PCR, các đoạn gen của virus trong mẫu bệnh phẩm sẽ được khuếch đại lên bằng phản ứng chuỗi Polymerase, với một lượng đủ lớn nhằm xác định sự hiện diện của virus. Xét nghiệm PCR đòi hỏi phải lấy mẫu dịch tiết từ đường hô hấp như dịch mũi và dịch hầu họng, nên có nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế khi người bệnh hắt hơi hay ho. Trong khi đó, xét nghiệm kháng thể được thực hiện bằng cách lấy mẫu máu nên nguy cơ lây nhiễm thấp. Việc lấy mẫu, xét nghiệm dễ thực hiện hơn và kết quả xét nghiệm cũng nhanh có.
Câu hỏi 3: Cơ chế xét nghiệm kháng thể như thế nào?
Đáp: Cơ chế xét nghiệm kháng thể như sau:
Khi nhiễm virus, nồng độ virus trong máu sẽ tăng. Sau đó khoảng 1 tuần, cơ thể sẽ hình thành kháng thể IgM. Đây là kháng thể đầu tiên có vai trò chống lại sự xâm nhập của mầm bệnh khi chúng vừa xâm nhập vào cơ thể.
Tiếp theo, sau khoảng 1 tuần nữa, kháng thể IgG sẽ được hình thành. Đây là kháng thể tồn tại nhiều nhất trong huyết tương và cung cấp sự miễn dịch lâu dài với các mầm bệnh như COVID-19.
Nếu phát hiện IgM, tức là người bệnh vừa bị nhiễm virus. Còn sự hiện diện của IgG giúp ta xác định được liệu cơ thể đã từng bị nhiễm virus và đã hình thành kháng thể chống lại virus chưa.
Tùy mục đích kiểm tra mà kít xét nghiệm chỉ kiểm tra sự hiện diện của IgG hoặc kết hợp kiểm tra cả IgM và IgG.
Câu hỏi 4: Đối với các trường hợp mới nhiễm bệnh, xét nghiệm kháng thể có hữu dụng hay không?
Đáp: Việc xét nghiệm kháng thể không thể khẳng định người được xét nghiệm hiện đang bị nhiễm virus hay không. Lý do là vì sau khi nhiễm bệnh một vài ngày cơ thể mới có thể sản sinh đủ lượng kháng thể. Có nhiều báo cáo chỉ ra rằng, quá nửa các mẫu thử từ máu của người nhiễm bằng test kit thông dụng chỉ cho kết quả sau khi người nhiễm đã phát bệnh hơn 2 tuần.
Bên cạnh đó, với một số xét nghiệm kháng thể như xét nghiệm tìm IgG, kết quả dương tính có nghĩa là cơ thể CÓ THỂ đã có miễn dịch với SARS-CoV-2. Lý do là kit phát hiện IgG có độ đặc hiệu không cao nên có trường hợp phản ứng chéo với kháng thể được sản sinh ra để chống lại các chủng virus corona khác. Hay nói cách khác người này đã từng nhiễm bệnh do virus corona khác ví dụ như cảm lạnh thông thường.
Câu hỏi 5: Vậy chúng ta thực hiện xét nghiệm kháng thể nhằm mục đích gì?
Đáp: Xét nghiệm kháng thể giúp chúng ta nắm bắt tốc độ và phạm vi lây nhiễm của virus. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đang có kế hoạch điều tra tỉ lệ người có kháng thể với COVID-19 bằng cách xét nghiệm nhiều lần, trên quy mô vài nghìn người tại một số vùng nhất định. Qua đó, chúng ta có khả năng xác định được tỉ lệ người mắc bệnh không có biểu hiện triệu chứng. Sau khi cơ thể nhiễm bệnh và hình thành kháng thể, khả năng tái nhiễm thường được cho là sẽ giảm. Tại Anh, Mỹ và một số nước khác, hiện có tin đồn gây tranh cãi đối với phương án cấp giấy chứng nhận miễn dịch cho người có kháng thể (“immunity passport”) nhằm tạo tiền đề xúc tiến khởi động lại các hoạt động kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, hiện tại chưa cơ quan nào có thẩm quyền tại các quốc gia trên đưa ra phát ngôn chính thức về việc này.
Câu hỏi 6: Việc xét nghiệm kháng thể sẽ dần được áp dụng rộng rãi?
Đáp: Hiện tại biện pháp này vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng cần giải quyết trước khi áp dụng rộng rãi. Trước hết, với COVID-19, một số trường hợp đã dương tính trở lại sau khi được xuất viện và bị nghi ngờ tái nhiễm virus. Cụ thể hơn, chúng ta không biết chắc được số lượng kháng thể được sản sinh trong cơ thể cũng như thời gian duy trì được khả năng miễn dịch. Thêm nữa, việc kiểm chứng độ chính xác của kết quả xét nghiệm là hết sức cấp thiết và vào thời điểm hiện tại, các quốc gia đều đang xúc đẩy thúc tiến những công tác nghiên cứu khoa học này.
Tổng quan về tình hình áp dụng xét nghiệm trên thế giới và tại Nhật Bản
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã công bố bắt đầu áp dụng xét nghiệm kháng thể để xác nhận tỉ lệ dân số đã nhiễm virus. Vào ngày 10/4 ,Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) cũng công bố sẽ thực hiện xét nghiệm kháng thể quy mô 10.000 người trên toàn nước Mỹ.
Chính phủ Mỹ đã tổ chức thực hiện nghiên cứu đánh giá các xét nghiệm kháng thể có trên thị trường và kết quả mới nhất cho biết Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Mỹ đã ra thông báo công nhận 12 bộ xét nghiệm kháng thể trong số hàng trăm bộ xét nghiệm của các hãng ở Mỹ và trên thế giới gửi tới xin xác nhận chất lượng từ FDA. Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã xây dựng chiến lược điều tra kháng thể COVID-19 trên cộng đồng.
Theo chiến lược được đề xuất bởi đại học Harvard, nhằm khởi động lại các hoạt động kinh tế, mỗi ngày cần tiến hành 20 triệu xét nghiệm. Hiện tại, New York, nơi dịch bùng phát, và các bang khác ở Mỹ đang tích cực triển khai xét nghiệm kháng thể.
Theo đội nghiên cứu của đại học Stanford, xét nghiệm kháng thể được tiến hành tại Quận Santa Clara (Thung lũng Silicon, California) đã cho thấy số người nhiễm virus chiếm 2.5~4.2% dân số toàn quận, chỉ ra khả năng số lượng người nhiễm thực sự cao hơn từ 50~85 lần số liệu đã được công bố chính thức.
Theo công bố của hãng dược Thụy Điển Roche vào ngày 3/5, bộ kit xét nghiệm kiểm tra kháng thể dành cho COVID-19 của hãng đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép sử dụng. Roche cho biết, xác suất phát hiện kháng thể của thuốc là gần 100% và dự kiến Nhật Bản cũng sẽ cấp phép sử dụng thuốc ngay trong tháng 5.
Vào ngày 4/5, Bộ trưởng y tế Đức Jens Spahn công bố trong tháng 5 sẽ mua 3 triệu mẫu thuốc thử kháng thể từ Roche và từ tháng 6 sẽ tăng thành 5 triệu mẫu mỗi tháng.
Ngoài ra, vào ngày 13/5, chính phủ Nhật công bố đã quyết định cấp phép sử dụng bộ kit xét nghiệm kháng nguyên (do hãng Fujirebio phát triển và xin cấp phép vào tháng 4/2020). Dự kiến có khả năng cung cấp một tuần 200,000 xét nghiệm. Vì độ chính xác của xét nghiệm kháng nguyên thấp hơn PCR, nên trong trường hợp có kết quả âm tính dự kiến sẽ thực hiện xét nghiệm bổ sung bằng PCR.
Nguồn tổng hợp:
Về thuốc thử của Roche: https://www.nikkei.com/article/DGXMZO58781190U0A500C2NN1000/
Quy trình thực hiện xét nghiệm:
https://newspicks.com/news/4838517/body/
https://www.tokyo-np.co.jp/article/politics/list/202005/CK2020050902000257.html
https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/lab/serology-testing.html
https://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/20008686.2020.1754538
https://jamanetwork.com/journals/jama/fullarticle/2765837
Nội dung Q&A:
https://www.asahi.com/articles/DA3S14456678.html
https://vietnamese.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/faq.html
Nguồn thông tin của ảnh
Ảnh bìa: https://asia.nikkei.com/Spotlight/Coronavirus/Who-is-coronavirus-immune-A-new-antibody-test-could-show
Ảnh 1: https://asia.nikkei.com/Spotlight/Coronavirus/Japan-looks-to-start-coronavirus-antibody-tests-this-month
Ảnh 2: https://www.japantimes.co.jp/news/2020/05/16/national/japans-daily-pcr-test-capacity-20000 Ảnh 3: https://www3.nhk.or.jp/nhkworld/en/news/20200424_25
Bạn phải đăng nhập để bình luận.