ThS. Đỗ Đăng An*
BS.TS. Phạm Nguyên Quý**
* Đại học Tokyo, Thành viên Mạng lưới Học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ)
** Khoa Ung thư Nội khoa, BV Đại học Kyoto, Trưởng Dự án Y học cộng đồng, Thành viên VANJ
Lưu ý: Bài viết này được lược dịch từ hai bài báo “The Origin of Quarantine” đăng trên Tạp chí Clinical Infectious Diseases ngày 1/11/2002 và “The psychological impact of quarantine and how to reduce it: rapid review of the evidence” được đăng trên The Lancet ngày 26/2/2020. Bài viết này không có mục đích đưa ra những khuyến cáo nào cho dịch COVID-19 mà chỉ nhằm cung cấp thêm thông tin về tác động tâm lý trong và sau quá trình cách ly của các nghiên cứu trước đây để chuẩn bị tốt tâm lý cho người bị cách ly nhất là các nhân viên y tế.
Cách ly y tế là gì?
Cách ly y tế (tiếng Anh: quarantine) là sự tách biệt và hạn chế di chuyển của những người có khả năng bị phơi nhiễm với mầm bệnh truyền nhiễm để xem họ có bị ốm hay không, nhờ đó giảm nguy cơ lây tiếp cho người khác. Cách ly khác với CÔ LẬP (isolation), là sự tách biệt những người đã nhận chẩn đoán mắc bệnh truyền nhiễm khỏi những người còn lại. Tuy nhiên, hai thuật ngữ này thường được sử dụng thay thế cho nhau trong giao tiếp phổ thông và có thể gây nên hiểu nhầm trong cộng đồng.
Quarantine thường được dịch tiếng Việt là “Cách ly y tế” hay “Kiểm dịch”, và có nguồn gốc từ một phương ngữ Venice (Ý) là “quaranta giorni”, có nghĩa là “40 ngày”. Đây là khoảng thời gian mà tất cả tàu thuyền phải được cách ly trước khi hành khách và thủy thủ được phép vào trong thành phố để kiểm soát sự lây lan bệnh dịch hạch/Cái Chết Đen, một trong những đại dịch chết chóc nhất lịch sử nhân loại. Thật ra, chính sách này được ban hành lần đầu tiên vào năm 1377 tại Rosuga (nay là Dubrovnik, Croatia) với thời gian cách ly là 30 ngày. Trong những năm sau đó, chính sách này đã được áp dụng ở nhiều thành phố khác và thời gian cách ly được nâng lên 40 ngày vào năm 1448 ở Venice. Lý do chính xác dẫn tới thay đổi này vẫn chưa được rõ. Một số tác giả cho rằng nó liên quan tới thời gian tối ưu để ngăn ngừa bệnh dịch hạch, trong khi có giả thuyết nói rằng sự thay đổi này liên quan đến Mùa Chay của Cơ đốc giáo. Theo quan điểm y học hiện đại, thời gian cách ly thường liên quan tới thời gian ủ bệnh, là khoảng thời gian từ lúc nhiễm bệnh cho đến khi có những triệu chứng đầu tiên (phát bệnh).
Gần đây, nhằm kiểm soát dịch bệnh do coronavirus mới (COVID-19), cách ly y tế đã được áp dụng lên nhiều thành phố Trung Quốc với hàng chục triệu dân bị hạn chế di chuyển, trong khi hàng ngàn người nước ngoài trở về từ Trung Quốc đã được yêu cầu tự cách ly tại nhà hoặc trong các cơ sở của nhà nước. Tại Việt Nam, hiện có hơn 10,000 người đã được cách ly y tế; con số này có thể tăng lên trong những ngày qua vì nhiều người cần từ Hàn Quốc và Nhật Bản về nhà. Tuy nhiên, tin đáng mừng là cho tới thời điểm này, Bộ Y tế Việt Nam chưa ghi nhận ca nào bị nhiễm COVID-19 trong số người nói trên, ám chỉ rằng con số cách ly có thể rất nhiều nhưng không có nghĩa là “nhiều người mắc bệnh” như lời đồn đại.
Mặc dù cách ly có thể là phương pháp hữu hiệu để kiểm soát dịch bệnh, nó thường là một trải nghiệm khó chịu cho những người trong cuộc vì phải tách rời (dù tạm thời) khỏi những người thân yêu, bị mất tự do, cảm thấy lo lắng và cả nhàm chán. Để cung cấp thêm thông tin về ảnh hưởng lên sức khỏe tâm thần của việc cách ly, chúng tôi xin tóm tắt một số điểm chính trong bài tổng quan trên tạp chí The Lancet số ra ngày 26/2/2020 vừa qua. Bài tổng quan này gạn lọc 3166 bài báo được công bố trên các cơ sở dữ liệu và đưa 24 nghiên cứu có chất lượng đủ tốt về bệnh SARS, MERS, Ebola và cúm vào đánh giá.
Tác động tâm lý của cách ly
Hầu hết các nghiên cứu chỉ khảo sát những người đã được cách ly và thường báo cáo tỷ lệ mắc các rối loạn tâm lý khá cao. Tâm trạng buồn chán (73%) và dễ nổi nóng (57%) là hai triệu chứng hay gặp, ngoài những triệu chứng khác như rối loạn cảm xúc, trầm cảm, căng thẳng, phẫn nộ hoặc mất ngủ. Trong đại dịch SARS, người bị cách ly đã báo cáo các phản ứng tiêu cực khác nhau trong thời gian cách ly như sợ hãi (20%), lo lắng (18%), buồn bã (18%) và cảm giác tội lỗi (10%).
Tác động tâm lý liên quan đến việc bị cách ly trong dịch SARS trong số 1057 người tham gia (nghiên cứu tại Canada)
Nguồn: Reynolds et al, “Understanding, compliance and psychological impact of the SARS quarantine experience” doi: 10.1017/S0950268807009156
Trong khi đó, đã có hơn 5 nghiên cứu so sánh thay đổi tâm lý của những người bị cách ly so với những người không bị cách ly. Nghiên cứu trên các nhân viên y tế (NVYT) trong đại dịch SARS cho thấy việc bị cách ly (9 ngày) là yếu tố dự đoán mạnh nhất về các triệu chứng rối loạn căng thẳng cấp tính. NVYT bị cách ly thường dễ bị kiệt sức, dễ bị xa lánh bởi người khác, hay lo lắng khi đối diện với bệnh nhân sốt, hoặc cảm thấy khó chịu, mất ngủ, kém tập trung và thiếu quyết đoán, làm giảm hiệu suất làm việc hoặc muốn bỏ việc. Một nghiên cứu khác trên NVYT cho thấy có sự tương quan nhất định giữa việc bị cách ly và triệu chứng trầm cảm xảy ra 3 năm sau. Nghiên cứu trên những trẻ em bị cách ly cho thấy điểm số liên quan tới căng thẳng sau chấn thương trung bình cao hơn gấp 4 lần. Tuy nhiên, những phản ứng tâm lý này có vẻ sẽ dần được cải thiện theo thời gian. Một nghiên cứu theo dõi diễn tiến tâm lý sau khi cách ly đã báo cáo rằng lo lắng và tức giận xuất hiện ở 7% và 17% người tham gia trong quá trình cách ly, nhưng giảm xuống còn 3% và 6% vào 4-6 tháng sau.
Triệu chứng trầm cảm trong số 549 nhân viên bệnh viện 3 năm sau khi trải qua dịch SARS (Nghiên cứu tại Trung Quốc)
Nguồn: Ping Wu et al, “The Psychological Impact of the SARS Epidemic on Hospital Employees in China: Exposure, Risk Perception, and Altruistic Acceptance of Risk”, doi: 10.1177/070674370905400504
Ngoài ra, có 2 hậu quả ít được biết tới hơn là nguy cơ nghiện rượu/lạm dụng rượu và hành vi tránh né. Trong một khảo sát trên 549 nhân viên y tế ở Trung Quốc, lạm dụng rượu đã được chứng minh là có liên quan tới việc bị cách ly trong dịch SARS. Một nghiên cứu khác trên 1912 người dân bị cách ly vì SARS tại Canada đã cho thấy 54% có xu hướng tránh những người bị ho/hắt hơi, 26% tránh những nơi đông đúc và 21% tránh mọi không gian công cộng trong khoảng thời gian sau đó. Một số người còn mô tả sự thay đổi hành vi dài hạn của bản thân như rửa tay cảnh giác hơn và gặp khó khăn trong việc quay lại nhịp sống bình thường.
Các hành vi sau khi cách ly của những người đã trải qua dịch SARS (nghiên cứu tại Canada)
Nguồn: Reynolds et al, “Understanding, compliance and psychological impact of the SARS quarantine experience” doi: 10.1017/S0950268807009156
Ai sẽ chịu tác động tâm lý do cách ly?
Dù số liệu còn chưa thống nhất, có một số bằng chứng gợi ý rằng những đối tượng sau đây có thể dễ bị ảnh hưởng hơn do cách ly:
- Người trẻ tuổi (16-24 tuổi)
- Người có trình độ học vấn thấp
- Nữ giới (nhất là người có một con nhỏ)
- Có tiền sử bệnh tâm thần
Ngoài ra, nhiều báo cáo cho thấy NVYT là những người dễ bị ảnh hưởng nhiều hơn về mặt tâm lý. NVYT thường cảm thấy bị kỳ thị nhiều hơn, thể hiện hành vi tránh né sau cách ly nhiều hơn và căng thẳng sau chấn thương nặng hơn.
Yếu tố gây căng thẳng trong khi cách ly
Thời gian cách ly
Ba nghiên cứu cho thấy thời gian cách ly dài hơn có liên quan đến giảm sức khỏe tâm thần, đặc biệt là chứng căng thẳng sau chấn thương, hành vi tránh né và tức giận. Một nghiên cứu cho thấy việc cách ly hơn 10 ngày có liên quan tới các triệu chứng căng thẳng sau chấn thương.
Sợ bị lây bệnh
So với những người không cách ly, những người tham gia cách ly nói rằng họ lo lắng về sức khỏe bản thân hoặc lo sợ lây nhiễm cho người xung quanh nhiều hơn. Họ cũng đặc biệt lo lắng hơn khi có bất kỳ triệu chứng nào có vẻ liên quan đến nhiễm trùng. Sự lo sợ này tiếp tục liên quan đến tình trạng tâm lý vài tháng sau đó.
Thất vọng và buồn chán
Việc sinh hoạt khác với nếp sống thông thường trong không gian giới hạn và giảm tiếp xúc xã hội có thể gây ra sự chán nản, thất vọng. Cảm giác bị cô lập với phần còn lại của thế giới có thể gây đau khổ cho một số người trong khu cách ly.
Điều kiện sống không đầy đủ
Điều kiện sống cơ bản không đủ (ví dụ: thực phẩm, nước, quần áo hoặc chỗ ở) trong quá trình cách ly dễ gây thất vọng và tiếp tục liên quan đến sự lo lắng và tức giận sau khi hết cách ly. Không nhận được chăm sóc y tế đầy đủ và thường xuyên cũng có thể là vấn đề.
Thông tin không đầy đủ
Nhiều người tham gia nói rằng thông tin ít ỏi từ các cơ quan y tế công cộng là một yếu tố gây căng thẳng. Việc không được hướng dẫn rõ ràng về các hành động cần thực hiện và nhầm lẫn về mục đích cách ly, mức độ nghiêm trọng của đại dịch có thể góp phần làm tăng thêm căng thẳng.
Yếu tố gây căng thẳng sau cách ly
Tài chính
Tổn thất tài chính có thể là một vấn đề trong quá trình cách ly, với những người không thể làm việc hoặc phải gián đoạn công việc lâu dài. Tổn thất tài chính do cách ly đã tạo ra sự suy thoái kinh tế xã hội nghiêm trọng và được coi là yếu tố nguy cơ của các triệu chứng rối loạn tâm lý và cả sự tức giận và lo lắng về sau. Vì vậy, những người bị cách ly và có thu nhập thấp rất cần được hỗ trợ tài chính nhất định để giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt.
Kỳ thị
Sự kỳ thị từ những người xung quanh đã được báo cáo trong rất nhiều nghiên cứu, thường kéo dài từ khi bị cách ly đến tận sau khi kết thúc dịch bệnh. Vì thế, các cơ quan truyền thông cần truyền tải nhanh chóng, hiệu quả những thông điệp rõ ràng để thúc đẩy sự hiểu biết và cảm thông trong cộng đồng.
Cách giảm thiểu ảnh hưởng tâm lý của việc cách ly
Bài tổng quan điểm lại những việc nên làm để giảm thiểu hậu quả của việc cách ly như sau:
- Thông tin công khai, hiệu quả và nhanh chóng
- Giảm sự nhàm chán và cải thiện giao tiếp
- Cung cấp dụng cụ sinh hoạt và vật tư y tế đầy đủ
- Cân nhắc thay đổi thời gian cách ly phù hợp
- Quan tâm hơn tới các đối tượng dễ bị ảnh hưởng, trong đó có nhân viên y tế
Quan điểm cá nhân của người dịch và hiệu đính bài báo:
Mặc dù có ít bằng chứng hơn, bài viết gợi ý rằng việc kêu gọi lòng vị tha sẽ tốt hơn là bắt buộc và cưỡng chế. Chúng tôi không bất ngờ với đề nghị này vì việc cách ly đã được nói đến trong Thánh Kinh, mà Đức Chúa Giê-su đã đến bên người bệnh hủi để xoa dịu vết thương thể chất lẫn tinh thần, giúp hóa giải sự kỳ thị trong quần chúng (Matthew 8:1-5). Những lời khuyên nói trên cũng vậy, chung quy lại đều xuất phát từ một “vị thuốc” căn bản và xưa cũ. Đó là tình thương đồng loại.
Tài liệu tham khảo
Philip A. Mackowiak, Paul S. Sehdev. The Origin of Quarantine, Clinical Infectious Diseases, Volume 35, Issue 9, 1 November 2002, Pages 1071–1072, https://doi.org/10.1086/344062
Samantha K Brooks, Rebecca K Webster, Louise E Smith, Lisa Woodland, Simon Wessely, Neil Greenberg, Gideon James Rubin. The psychological impact of quarantine and how to reduce it: rapid review of the evidence. The Lancet, 2020, ISSN 0140-6736, https://doi.org/10.1016/S0140-6736(20)30460-8
https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/travelers/from-china.html
REYNOLDS, D., GARAY, J., DEAMOND, S., MORAN, M., GOLD, W., & STYRA, R. (2008). Understanding, compliance and psychological impact of the SARS quarantine experience. Epidemiology and Infection, 136(7), 997-1007. doi:10.1017/S0950268807009156
Wu, P., Fang, Y., Guan, Z., Fan, B., Kong, J., Yao, Z., … Hoven, C. W. (2009). The Psychological Impact of the SARS Epidemic on Hospital Employees in China: Exposure, Risk Perception, and Altruistic Acceptance of Risk. The Canadian Journal of Psychiatry, 54(5), 302–311. https://doi.org/10.1177/070674370905400504
Bạn phải đăng nhập để bình luận.