Hình 1: Các thành viên đoàn Nhật Bản tham dự Diễn đàn

Tác giả: TS. Nguyễn Linh Đan

Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam Toàn cầu lần thứ hai với chủ đề “Trí thức trẻ Việt Nam vì mục tiêu Phát triển Bền vững Đất nước” đã thu hút hơn 200 đại biểu độ tuổi dưới 35 trong và ngoài nước tụ hội tại thủ đô Hà Nội từ ngày 26 đến 28/11/2019. Một nửa trong số đó là các đại biểu đang học tập và nghiên cứu ở các quốc gia có nền giáo dục phát triển như Mỹ, Nhật, Pháp, Nga, Anh, Ý, Úc, Singapore, Hàn Quốc.., còn lại là từ các trường Đại học danh tiếng trong nước. Tuy không có thống kê đầy đủ nhưng thành phần người tham dự tương đối đa dạng về tuổi tác và ngành nghề, trẻ nhất là đại biểu 17 tuổi tới từ trường THPT Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), nhiều tuổi nhất là các đại biểu sinh năm 1984 và trên 20% đã có bằng Tiến sỹ. Đoàn đại biểu tới từ Liên Bang Nga đông đảo nhất, và sau đó là đoàn Nhật với 11 thành viên đến từ Đại học Okayama, Đại học Miyazaki, Đại học Hiroshima, Đại học Tsukuba, Đại học Gifu, Học viện Phòng vệ Quốc gia Nhật Bản, Viện Khoa học Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản (JAIST), Viện Nghiên cứu Hóa học Nước biển Kita-Kyushu và Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Châu Á Thái Bình Dương (APERC).

Hình 1: Các thành viên đoàn Nhật Bản tham dự Diễn đàn
Hình 1: Các thành viên đoàn Nhật Bản tham dự Diễn đàn

Tại hội trường khách sạn Pan Pacific, Diễn đàn tập trung vào bốn chủ đề, đó là (1) phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; (2) bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; (3) công nghệ và quản lý trong nền kinh tế số; và (4) nâng cao năng suất lao động và đảm bảo công bằng xã hội. Riêng chủ đề (2) đã chiếm một phần ba lượng đại biểu đăng ký, chứng tỏ mức độ quan tâm cao tới các vấn đề môi trường khí hậu và độ bao phủ rộng của chủ đề này.

Hình 2: Nhóm chủ đề (2) trong phiên bế mạc Diễn đàn
Hình 2: Nhóm chủ đề (2) trong phiên bế mạc Diễn đàn

Tất cả các đại biểu được yêu cầu nộp poster để trình chiếu dưới dạng e-slide tại sảnh ngoài của hội trường Diễn đàn. Khoảng 40 poster được ban cố vấn chọn ra để in trình bày và 42 đại biểu được mời thuyết trình (tỷ lệ 1/5) trong các phiên họp song song. Các poster in và thuyết trình không phải là những bài xuất sắc nhất, mà được mời dựa trên cân đối chủ đề và đảm bảo tính đa dạng của người tham gia.

Đại biểu từ Nhật có TS. Nguyễn Linh Đan (APERC) thuyết trình chủ đề (2) về việc sử dụng nguồn năng lượng hiệu quả cho tương lai 2 độ C [1] của Việt Nam và NCS. Nguyễn Văn Phố (JAIST) chủ đề (3) về tầm quan trọng của Rô-bốt mềm trong khoa học công nghệ [2]. Trong bài trình bày của mình, NCS. Nguyễn Văn Phố giới thiệu qua về cộng đồng người Việt ở JAIST và Soft Haptic Lab của PGS. Hồ Anh Văn. TS. Nguyễn Linh Đan có đề cập tới chương trình Vietnam Summit diễn ra tại Nhật hồi đầu tháng 11/2019 như một sự kiện có tính xâu chuỗi (một thành viên trong Ban tổ chức của Vietnam Summit, TS. Nguyễn Thành Vinh chính là đại biểu của Nhật tham gia Diễn đàn lần thứ nhất tại Đà Nẵng) và các phong trào trí thức tại Nhật, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tương tác giữa các mạng lưới học giả khác nhau trong việc đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Hình 3: NCS. Nguyễn Văn Phố trong phiên họp Chủ đề (3)
Hình 3: NCS. Nguyễn Văn Phố trong phiên họp Chủ đề (3)

Diễn đàn kết thúc bằng những thông điệp như tích cực đổi mới giáo dục trong đó đặc biệt chú trọng các nhóm đối tượng trẻ em thiệt thòi; đề xuất các phương án giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu, trong đó có phát triển hợp lý các nguồn năng lượng, tài nguyên có khả năng tái tạo; thúc đẩy nền kinh tế số và đảm bảo phân bổ nguồn lực công bằng trong xã hội. Hơn hết, một trong những giá trị mà Diễn đàn muốn mang lại là tạo ra sân chơi khoa học cho giới trẻ trên khắp thế giới nhằm gắn kết và lan tỏa những ý tưởng sáng tạo đang được gây dựng trong nhiều ngành nghề khác nhau, chuyển hướng câu chuyện người Việt ở nước ngoài từ việc bàn vấn đề “về hay ở” thành “đóng góp như thế nào dù bạn đang ở bất kỳ nơi đâu”. Theo như lời GS. Nguyễn Thanh Thủy (Ủy viên Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước), sức mạnh thanh niên cần được phát huy tối đa thông qua “tập hợp, kết nối, tụ hội”.

Hình 4: Văn Miếu - một trong những địa danh của hành trình Tôi yêu Tổ quốc tôi
Hình 4: Văn Miếu – một trong những địa danh của hành trình Tôi yêu Tổ quốc tôi

Diễn đàn được tài trợ toàn bộ chi phí ăn ở và hỗ trợ một phần phí đi lại; thông tin chương trình được cập nhật liên tục, dầy đặc bởi các đơn vị truyền thông lớn của nhà nước như VTV, báo Tiền Phong, báo Dân trí… chứng tỏ sự đầu tư công phu và niềm tin lớn dần của Trung Ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nói riêng và Chính phủ Việt Nam nói chung vào sức mạnh của tuổi trẻ, đặc biệt là trong các ngành khoa học công nghệ. Đáng tiếc là chương trình không mở đăng ký rộng rãi nên chỉ có các đại biểu trao đổi với nhau. Nhiều bạn rất tâm huyết cho thiết kế poster và chuẩn bị sẵn sàng ý kiến cụ thể cho mỗi đề xuất nhưng không có đủ thời lượng chương trình để phát biểu. Các đề cử cho poster, bài nói xuất sắc nhất và mạng lưới chuyên gia mới cũng khá vội vàng, không khỏi xuất hiện cảm giác bùi ngùi. Tuy nhiên, để khắc phục, nhóm truyền thông đã và đang hoạt động rất tích cực để tiếp tục lan tỏa những giá trị, những câu chuyện khắp bốn phương tiềm ẩn trong mỗi cá nhân, mà nếu không có những cơ hội tụ họp như vậy, truyền thông trong nước sẽ không thể biết đến. Dự kiến là dư âm của Diễn đàn của sẽ còn vang vọng cho tới ít nhất là Tết Nguyên đán trên Đài truyền hình Việt Nam.

Sự kiện này là tín hiệu tích cực của nhà nước cho các trí thức ở xa quê hương vẫn đang băn khoăn về việc liệu những kiến thức mình học tập và xây dựng có giúp ích cho xã hội và có được lắng nghe hay không. Diễn đàn không mang lại giá trị trực tiếp cho từng nghiên cứu khoa học cụ thể mà đóng vai trò là cú huých và truyền cảm hứng cho những hoạt động kết nối sau này. Đơn cử như nhờ Diễn đàn mà những hoạt động như Vietnam Summit tại Nhật, Mạng lưới người Việt có tầm ảnh hưởng (Vietnam Global Leaders Network) tại Pháp, hay Diễn đàn bền vững Việt Nam 2020, Vietnam Innovation Links 2020… được biết đến rộng rãi hơn. Nhờ Diễn đàn mà các hoạt động cộng đồng miền cao của thanh niên được tôn vinh, một quỹ ủng hộ 39 nạn nhân thiệt mạng ở Anh do một bạn ở Úc đề xướng được mở rộng, thấu hiểu, và rất nhiều thông tin học bổng được chia sẻ sau đó. Mỗi cá nhân là nếu tự nhận ra vai trò “làm chủ” của mình, thì sẽ nắm được những cơ hội đa dạng mà sự kiện mang lại.

Hình 5: Các đại biểu giao lưu tại Nhà khách Chính phủ
Hình 5: Các đại biểu giao lưu tại Nhà khách Chính phủ

Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 3 dự kiến tổ chức vào cuối năm 2020 sẽ có chủ đề “Việt Nam 2045”, mang ý nghĩa kỷ niệm 100 năm đất nước Việt Nam độc lập. Để tham dự, các ứng viên cần điền vào bảng đăng ký bao gồm thông tin học thuật của cá nhân, đề xuất nghiên cứu phù hợp với chủ đề cũng như các ý tưởng đóng góp xây dựng diễn đàn. Trao đổi bên lề sự kiện, PGS.TS Trần Xuân Bách, Tổng thư ký chương trình, rất hy vọng Diễn đàn năm sau sẽ thu hút thêm nhiều đại biểu từ Nhật Bản đăng ký tham dự. Tham khảo trang web chính thức của Diễn đàn tại http://trithuctrevietnam.vn/ và các hình ảnh khác tại https://www.tienphong.vn/gioi-tre/nguoi-viet-tre-rang-ngoi-o-dien-dan-tri-thuc-tre-viet-nam-toan-cau-1491791.tpo.

Chú thích:

[1] Tên đầy đủ của đề tài là “Sử Dụng Nguồn Tài Nguyên Năng Lượng Hiệu Quả, Góp Phần Hạn Chế Nhiệt Độ Trái Đất Tăng Không Quá 2oC”, theo như thỏa thuận Paris năm 2016.

[2] Tên đầy đủ của đề tài là Robot Mềm (Soft robotics): Tiềm Năng Phát Triển Trong Công Nghệ