Towards 3D energy landscape: digitalization, decarbonization, decentralization
Giới thiệu sự kiện: https://conf.vanj.jp/2022/timetable/event/energy/
Chiều ngày 26/11/2022, phiên thảo luận với chủ đề “Towards 3D energy landscape: digitalization, decarbonization, decentralization” đã diễn ra sôi nổi với các bài thuyết trình thú vị từ 05 diễn giả khách mời.
Mở đầu phiên thảo luận, Phó Giáo Sư (PGS) Nguyễn Hồng Phương từ Trường Đại học Kỹ thuật Eidhoven đưa đến cái nhìn tổng quan về hệ năng lượng 3 chiều với nhiều lợi ích mà nó mang lại thông qua các kết quả nghiên cứu của ông và đồng nghiệp. Thông qua bài trình bày này, số hóa hệ thống điện và năng lượng được khẳng định là khía cạnh cốt lõi góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi của hệ thống năng lượng.
PGS. Vũ Văn Tuyên từ Đại học Clarkson đề cập đến những thách thức trong việc đánh giá ảnh hưởng của công nghệ điện gió ngoài khơi lên sự làm việc ổn định và tin cậy của hệ thống điện thông qua những bài học kinh nghiệm từ dự án điện gió ngoài khơi New York. Sự cần thiết của các mô hình điện từ trong nghiên cứu về kỹ thuật điện gió, của việc điều chỉnh các luật và tiêu chuẩn vận hành là thực sự cần thiết khi tỷ trọng điện gió ngoài khơi trong hệ thống ngày càng tăng.
Các bộ chuyển đổi một chiều và xoay chiều (còn gọi là biến tần) là công nghệ cốt lõi của bất cứ một hệ thống điện sử dụng năng lượng tái tạo, và nâng cao hiệu suất làm việc của biến tần giúp nâng cao hiệu suất làm việc của toàn bộ hệ thống nói chung. Xuất phát từ khía cạnh này, Giáo sư Atsu Kawamura từ Đại học quốc lập Yokohama đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao và đánh giá một cách chính xác hiệu suất của các bộ biến tần HEECS. Theo đó, hiệu suất của các bộ biến tần HEECS có thể đạt được đến 99.83% với 1.3kW công suất đầu ra. Kết quả nghiên cứu này đem đến khẳng định về ứng dụng ngày càng tăng của các bộ biến tần trong hệ thống năng lượng 3D khi công suất của chúng thậm chí có thể đạt tới 99.9% trong tương lai.
Sự đa dạng của các nguồn năng lượng tái tạo cùng khả năng vận hành linh hoạt đem đến nhiều thách thức trong việc lựa chọn dịch vụ cung cấp điện cho người tiêu dùng. Giải đáp thắc mắc này, mô hình bán điện phân tán ngang hàng (peer-to-peer) được đề cập bởi PGS. Nguyễn Đình Hòa từ Đại học Kyushu như một giải pháp ưu việt với nhiều ích lợi như tăng tính bảo mật cho các giao dịch về năng lượng, giúp tái cấu trúc hệ thống điện, năng lượng từ cấp tiêu dùng về nguốn phát, tối đa hóa lợi nhuận của các bên mua và bán điện.
Tiếp sau bài trình bày của PGS. Hòa, vận hành kinh tế các hệ thống năng lượng tích trữ bằng pin có cân nhắc đến yếu tố về tuổi thọ được trình bày bởi PGS. Nguyễn Đình Hùng từ Đại học Kỹ thuật Nanyang. Thông qua nghiên cứu của ông cùng các cộng sự, các hệ thống pin năng lượng được giám sát và đánh giá liên tục từ đó phân tích và đưa ra gợi ý vận hành nhằm tối đa hóa lợi nhận trong khi vẫn đảm bảo, thậm chí kéo dài thời gian vận hành của hệ thống.
Phiên thảo luận khép lại bằng phần thảo luận chung kéo dài hơn 1 giờ với sự trao luận sôi nổi của các diễn giả khách mời và hơn 30 người tham dự trực tiếp và trực tuyến trên các nền tảng xã hội. Nội dung thảo luận một lần nữa khẳng định xu hướng chuyển dịch sang hệ thống năng lượng 3 chiều và sự cần thiết của các công cụ nghiên cứu, các điều luật, tiêu chuẩn vận hành mới để hiện thực hóa hệ thống năng lượng này.
Bạn phải đăng nhập để bình luận.