Đổi mới sáng tạo hướng đến hạ tầng thân thiện với môi trường và nâng cao tuổi thọ công trình
Giới thiệu sự kiện: https://conf.vanj.jp/2022/timetable/event/civil/
Sáng này 27/11/2022, phiên thảo luận với chủ đề “Đổi mới sáng tạo hướng đến hạ tầng thân thiện với môi trường và nâng cao tuổi thọ công trình” đã được diễn ra với nhiều bài thuyết trình hấp dẫn, ấn tượng từ các khách mời là nhà khoa học tuy tín, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực xây dựng. Nhiều chủ đề nghiên cứu liên quan đến những vật liệu, kết cấu, phương pháp thi công mới và các phương pháp đánh giá, quản lý rủi ro hướng đến sự phát triển hạ tầng bền vững đã được trình bày và trao đổi một cách tích cực và hiệu quả.
Khai mạc phiên thảo luận, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hải, giảng viên khoa Cầu đường, trường đại học bách Khoa, Đại học Đà Nẵng bày tỏ mong muốn Hội thảo sẽ là một diễn đàn để các nhà khoa học và kỹ sư có cùng lĩnh vực quan tâm thảo luận, trao đổi học thuật nhằm hướng tới mục tiêu thúc đẩy những hợp tác nghiên cứu trong tương lai.
Khách mời đầu tiên, Giáo sư Hosoda Akira, giám đốc trung tâm nghiên cứu phòng chống thiên tai, Đại học Quốc gia Yokohama, Nhật Bản đã trình bày một số nghiên cứu của mình và cộng sự liên quan đến những ứng dụng thực tế trong việc sử dụng các vật liệu cải tiến, thân thiện với môi trường từ phế thải công nghiệp vào các công trình bê tông tại Nhật Bản. Ba nội dung chính của bài phát biểu gồm có bê tông lỗ rỗng cải tiến và đất lỏng gia cố; thiết kế bền cho bản mặt cầu bê tông cốt thép sử dụng xỉ lò cao và phụ gia giản nở; và sự sử dụng tro bay nhằm giảm thiểu ăn mòn và ASR trong các công trình bê tông cốt thép.
Tiếp đến, Tiến sĩ Phan Hoàng Nam, giảng viên khoa Cầu đường, trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng đã trình bày bài phát biểu về phương pháp quản lý rủi ro địa chấn đối với tổ hợp bể chứa nhiên liệu tại các nhà máy hóa dầu tại Châu Âu. Từ các tính toán ví dụ cho trường hợp của nhà máy hóa dầu, các khái niệm mới về quản lý rủi ro dựa trên mô hình quan hệ giữa mức độ hư hại của công trình và mức độ địa chấn đã được giới thiệu. Phương pháp này được kỳ vọng giúp các cơ quan quản lý và vận hành công trình xây dựng nắm bắt kịp thời mức độ rủi ro của công trình dưới tác động của thiên tai, qua đó có những hướng xử lý kịp thời và hiệu quả đối với các công trình có rủi ro cao. Điều này đóng góp đáng kể vào việc kéo dài tuổi thọ của công trình trong tương lai.
Diễn gải khách mời thứ ba, Tiến sĩ Hoàng Phương Tùng, giảng viên khoa Cầu đường, trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng đã trình bày bài phát biểu với tiêu đề “Ứng dụng của quá trình carbonat vi sinh vào vật liệu xây dựng thấp carbon”. Ứng dụng công nghệ vi sinh vào việc chế tạo và sản xuất vật liệu trong ngành xây dựng vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Bài trình bày đã giới thiệu kỹ thuật độc đáo giúp tăng cường quá trình cacbonat hóa trong bê tông bằng công nghệ vi sinh vật khi kết hợp với xi măng MgO, loại xi măng có hàm lượng tiêu thụ carbon trong sản xuất thấp hơn nhiều so với xi măng portland thông thường. Bằng công nghệ này, quá trình tự cacbonat hóa của xi măng MgO được kích hoạt bởi các vi khuẩn, do đó sẽ cải thiện đáng kể cường độ của bê tông dùng xi măng MgO thông thường. Công nghệ này giúp giảm lượng dùng xi măng portland, qua đó được kỳ vọng sẽ đóng góp đáng kể vào việc giảm khí thải CO2 từ ngành sản xuất xi măng trong tương lai.
Diễn gải khách mời thứ tư, Tiến sĩ Võ Duy Hải, nghiên cứu sau tiến sĩ tại khoa Xây dựng, trường Đại học Khoa học Công nghệ Quốc gia Đài Loan đã giới thiệu nghiên cứu của mình liên quan đến những vật liệu tái tạo từ các sản phẩm của bê tông. Bài thuyết trình đã đưa ra biện pháp nhằm tái sử dụng rác thải từ quá trình phá dở công trình để chế tạo cốt liệu cho quá trình sản xuất bê tông.
Trong phần trình bày cuối cùng của phiên hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Trung Kiên, khoa Xây dựng, trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP. HCM đã trình bày báo cáo “Sự tán xạ của sóng Rayleigh và ảnh hưởng của nó đến đường ống ngầm”. Động đất, với sóng mặt Rayleigh là một trong những tác nhân chính, gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống đường ống ngầm. Bài báo cáo trình bày phương pháp đánh giá sự tán xạ của sóng Rayleigh, một loại dao động ngắn hạn với dải tần số rộng, trong điều kiện đất nền không đồng nhất (thung lũng); qua đó đề xuất qui trình ba bước để đánh giá tương tác động giữa đất nền – ống ngầm. Một số kết quả nghiên cứu sơ bộ đã chỉ ra ảnh hưởng của hiệu ứng tán xạ (gây ra bởi điều kiện đất nền không đồng nhất) gây ra sự gia tăng lực dọc cũng như moment trong phần tử ống ngầm. Kết quả của nghiên cứu này được kỳ vọng sẽ giúp cải tiến qui trình thiết kế và đảm bảo sự làm việc ổn định của kết cấu ống ngầm chịu tác động của tải trọng động đất.
Phiên thảo luận đã thu hút hơn 30 người tham dự trực tuyến và trực tiếp tại trường Đại học Tokyo, Nhật Bản. Những vấn đề thảo luận trong chương trình không chỉ từ khán giả/ thính giả mà còn có sự tương tác đặc biệt giữa các diễn giả khách mời với các bạn sinh viên, các kỹ sư và nhà nghiên cứu khác có quan tâm đến “thân thiện với môi trường” và “nâng cao tuổi thọ công trình” trong lĩnh vực Xây dựng.
Bạn phải đăng nhập để bình luận.