Chế độ ăn uống của người Nhật vốn được cho là lành mạnh và đồng thời thân thiện với môi trường hơn các chế độ ăn uống phương Tây, nhưng liệu điều đó có thực sự đúng?
Credit: University of Tokyo | Tiến sĩ Minami Sugimoto, Trợ giảng dự án (Project Assistant Professor), Institute for Future Initiatives trả lời rằng: “Thật khó để nói rằng chế độ dinh dưỡng của người Nhật có lượng phát thải carbon thấp”. |
Ăn uống lành mạnh không đồng nghĩa là thân thiện với môi trường.
Vì định nghĩa về chế độ ăn uống của người Nhật (washoku) có nhiều khía cạnh phức tạp, nên ở đây chúng tôi xem washoku là chế độ ăn uống thông thường của người Nhật hiện đại. Lượng khí thải nhà kính (Greenhouse gas emissions-GHGE) liên quan đến chế độ ăn uống của người Nhật tương đương với các chế độ ăn uống phương Tây. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ lưỡng hơn về washoku này, chúng tôi nhận thấy rằng những chế độ ăn uống với lượng GHGE cao thường lại là những chế độ ăn uống lành mạnh hơn. Kết quả này trái ngược với kết quả nghiên cứu ở phương Tây, vốn cho thấy các chế độ ăn uống có giá trị dinh dưỡng cao hơn tạo ra lượng GHGE thấp hơn.
Sự khác biệt này được cho là do sự khác biệt trong thói quen ăn uống giữa Nhật Bản và các nước phương Tây. Chế độ ăn uống không lành mạnh ở các nước phương Tây thường có xu hướng bao gồm nhiều thực phẩm giàu năng lượng và thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, ví dụ như thịt, loại thực phẩm vốn không thân thiện với môi trường. Trong khi đó, các thực phẩm không lành mạnh trong chế độ ăn uống của người Nhật bao gồm các thực phẩm giàu carbohydrate như gạo, các loại mì và bánh mì. Việc tiêu thụ các thực phẩm này một cách hợp lý, kết hợp với rau củ, thịt và cá tạo ra một chế độ ăn uống lành mạnh hơn, nhưng đồng thời cũng gia tăng áp lực lên môi trường.
Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (Food and Agriculture Organization of the United Nations – FAO), một phần ba lượng GHGE trên toàn thế giới đến từ việc sản xuất và phân phối thực phẩm. Bên cạnh việc giảm lượng GHGE trong quá trình sản xuất, chúng ta cần thay đổi thói quen ăn uống để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể điều chỉnh chế độ ăn uống sao cho thân thiện với môi trường hơn, lành mạnh hơn và tiết kiệm chi phí, mà không phải thay đổi quá nhiều thói quen ăn uống truyền thống?
Một phân tích chi tiết về dữ liệu dinh dưỡng của gần 400 người trưởng thành tại Nhật Bản đã chỉ ra những thay đổi cần thiết trong thói quen ăn uống. Trước hết, cần tăng cường việc tiêu thụ ngũ cốc nguyên hạt, lý tưởng nhất là từ ba đến năm lần so với hiện tại. Điều này có thể thực hiện bằng cách trộn một ít gạo lứt vào gạo trắng hoặc chuyển sang bánh mì nguyên cám. Người Nhật cũng nên giảm tiêu thụ thịt bò và thịt lợn từ 20% đến 30%, bởi sản xuất thịt bò và thịt lợn đòi hỏi rất nhiều tài nguyên như thức ăn chăn nuôi, đất và nước. Ngoài ra, việc cắt giảm muối là cần thiết bởi trong chế độ ăn uống của người Nhật, hàm lượng natri cao là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy một chế độ ăn uống tối ưu có thể giảm 10% lượng GHGE.
Chuyên ngành của tôi là dịch tễ học dinh dưỡng, là ngành nghiên cứu và cung cấp dữ liệu về mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và các bệnh lý. Một phần thú vị của dịch tễ học dinh dưỡng là nó bao gồm rất nhiều chủ đề nghiên cứu liên quan đến cuộc sống hàng ngày. Gần đây, tôi đã tìm hiểu về cách chọn và mua thực phẩm tốt cho cả môi trường và sức khỏe của chúng ta. Chẳng hạn, tôi dự định phát triển một hệ thống phân tích các hóa đơn mua thực phẩm hàng tháng, đánh giá từng mặt hàng dựa trên ảnh hưởng của chúng đến môi trường và sức khỏe, đồng thời cung cấp các gợi ý để cải thiện các lựa chọn mua sắm trong tương lai.
Phân tích dữ liệu chế độ ăn uống của 369 người Nhật. Các đối tượng được phân loại vào các nhóm theo phân vị dựa trên lượng phát thải nhà kính liên quan đến chế độ ăn uống. Nhóm phân vị cao hơn (tức là, lượng phát thải nhà kính liên quan đến chế độ ăn uống cao hơn)có tỷ lệ người thiếu hụt dinh dưỡng (ngoại trừ natri) thấp hơn. |
* Bài viết này được đăng lần đầu trên Tansei 46 (bằng tiếng Nhật). Tất cả thông tin trong bài viết này tính đến tháng 3 năm 2023.
– Đường dẫn đến bài viết gốc (Anh):
https://www.u-tokyo.ac.jp/focus/en/features/z1304_00263.html
– Đường dẫn đến Tansei46 (Nhật):
https://www.u-tokyo.ac.jp/content/400209584.pdf
Tansei là tạp chí định kì của Đại học Tokyo (University of Tokyo – Tokyo Daigaku). Tạp chí xoay quanh các vấn đề khoa học và xã hội dưới góc nhìn của những giáo sư, nhà nghiên cứu tại Đại học Tokyo, một trong những đại học hàng đầu Nhật Bản. Qua những bài viết từ Tansei, độc giả được tiếp cận đến những thông tin khoa học với các chủ đề thú vị như giới thiệu về các giải Nobel từ đại học Tokyo (Tansei số 32), các đề tài liên kết với địa phương (Tansei số 35), các vấn đề về môi trường (Tansei số 46),… Tansei cũng bao gồm những bài viết giới thiệu về các hoạt động và cuộc thảo luận với sinh viên đại học Tokyo, đưa đến một sự đa dạng và năng động trong nội dung của mình.
Bạn phải đăng nhập để bình luận.