Sự lan rộng nhanh chóng của dịch bệnh COVID-19 trên toàn thế giới đang là vấn đề nhức nhối. Một trong những nguy cơ đặc biệt nghiêm trọng của dịch bệnh này là việc thiếu hụt trầm trọng các thiết bị và nhân viên y tế khi số người nhiễm dịch tăng nhanh vượt quá khả năng đáp ứng của các bệnh viện. Ở một số nước, ví dụ như Nhật Bản, việc được nhập viện trở nên rất khó khăn cho dù người bệnh đã có những biểu hiện rõ ràng như ho hay sốt. Việc này bắt nguồn từ lý do các bệnh viện không muốn tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 vì lo sợ lây nhiễm chéo khiến bệnh viện biến thành ổ dịch. Vì vậy, các bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ sẽ được đưa về nhà hoặc chuyển sang các địa điểm tạm thời như các phòng do các chuỗi khách sạn cung ứng. Ngay trong những hoàn cảnh như vậy thì vẫn đề vẫn tồn tại ở việc chăm sóc và theo dõi sức khỏe các bệnh nhân COVID-19 do nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc.

Trong bối cảnh cấp bách như hiện tại, những công nghệ thông minh có thể giúp được gì trong việc phòng chống COVID-19? Những thiết bị thông minh có thể đo các thông số sức khỏe như nhịp tim, thân nhiệt hay nồng độ oxy trong máu hiện không còn xa lạ. Ví dụ những đồng hồ thông minh của Apple hay nhiều hãng khác đã có thể giúp người dùng theo dõi những thay đổi trong nhịp tim của mình ngay cả trong khi vận động. Hay những máy đo thân nhiệt không tiếp xúc đã được sử dụng rộng rãi khắp nơi trong các chiến dịch giãn cách xã hội vừa qua. Ưu điểm của các thiết bị này là nhỏ gọn, có thể đeo trên người vì vậy giúp việc theo dõi thường xuyên các chỉ số sức khỏe. Ngoài ra việc vận hành của các thiết bị này rất đơn giản, thông tin dữ liệu cũng được tự động truyền lên các cơ sở dữ liệu. Vì vậy, trong các hoàn cảnh yêu cầu hạn chế tiếp xúc với người ngoài như những thời điểm giãn cách xã hội hiện tại thì các thiết bị này được kỳ vọng sẽ phát huy được tác dụng.Tại Mỹ, các thiết bị cảm biến thông minh đang được kỳ vọng có thể phát hiện người nhiễm COVID-19 trước khi có triệu chứng [1]. Đây là dự án nghiên cứu của ĐH Standford, viện Scripps phối hợp cùng Fitbit. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, ở bệnh nhân nhiễm cúm sẽ có những dấu hiệu thay đổi ở nhịp tim ngay cả khi chưa có các triệu chứng như ho hay sốt [2]. Vì vậy bằng cách quan sát các thông số về nhịp tim qua các thiết bị như đồng hồ thông minh, người bệnh có thể dự đoán được nguy cơ lây nhiễm của mình trước khi được xác nghiệm chính thức tại bệnh viện.

Các bác sỹ tại Trung Quốc cũng đã sử dụng các cảm biến thân nhiệt gắn trên người bệnh để theo dõi tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân mà không cần tiếp xúc với họ [3]. Việc này sẽ khiến giảm nguy cơ lây nhiễm từ các bệnh nhân cho bác sỹ. Hay Italy, tâm dịch COVID-19 ở châu Âu, cũng đã triển khai dự án MEDIWARN cũng hướng tới việc phát triển các cảm biến đo các thông số sức khỏe cơ bản như nhịp tim, nhịp thở, thân nhiệt, huyết áp để có thể áp dụng cho các bệnh nhân. Cần nói thêm là những thiết bị như vậy đã có trong các bệnh viện, nhưng khi bệnh nhân tăng quá nhanh thì số lượng các thiết bị sẽ không thể cung ứng đủ. Vì vậy, việc phát triển các thiết bị dễ dàng chế tạo với giá thành rẻ chắc chắn sẽ là vấn đề nóng hổi.

Tham khảo:
[1]https://www.forbes.com/sites/katiejennings/2020/04/17/fitbit-and-other-wearables-could-help-researchers-predict-coronavirus-before-symptoms-start/#74674c894efa
[2]https://www.thelancet.com/journals/landig/article/PIIS2589-7500%2819%2930222-5/fulltext#%20
[3]https://www.todaysmedicaldevelopments.com/article/coronavirus-vivalnk-henkel-newpro3d-mayo-clinic-vadonvations/
[4]https://ec.europa.eu/regional_policy/en/newsroom/news/2020/04/04-01-2020-medical-sensors-boost-response-to-italy-s-covid-19-crisis

Picture: https://www.mdpi.com/1424-8220/18/8/2414/htm